Cập nhật cơn bão số 4 - Noru: Bão giật cấp 16 khi vào vùng biển Việt Nam

Đến 4 giờ ngày 28/9, dự báo bão số 4 - Noru sẽ đổ bộ vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Bình Định, gió giật cấp 16.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, 4h sáng nay (27/9), vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Vị trí và hướng di chuyển bão số 4 - Noru.
Vị trí và hướng di chuyển bão số 4 - Noru.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (150 - 183km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 166km/giờ), giật cấp 16.

Cảnh báo nguy hiểm trên biển

Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.

Lực lượng dân quân tại Phù Mỹ giúp đưa tàu thuyền của người dân lên bờ tránh bão chiều 26/9.
Lực lượng dân quân tại Phù Mỹ giúp đưa tàu thuyền của người dân lên bờ tránh bão chiều 26/9.

Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão cấp 14 - 15, giật cấp 17; sóng biển cao 9 - 11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa). Khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng cao 3 - 4m, biển động mạnh.

Cảnh báo nước dâng

Sáng nay, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14, giật cấp 16; sóng biển cao 8 - 10m, biển động dữ dội. Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14, giật cấp 16; sóng biển cao 3 - 5m, vùng gần tâm bão 6 - 8m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1 - 1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2 - 2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền

Từ tối và đêm nay (27/9), ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15.

Các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 12 - 13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Từ ngày hôm nay đến ngày mai (28/9), khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt. Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Các tàu cá của tỉnh Quảng Bình về neo đậu tại nơi an toàn trước khi siêu bão Noru đổ bộ.
Các tàu cá của tỉnh Quảng Bình về neo đậu tại nơi an toàn trước khi siêu bão Noru đổ bộ.

Tạm đóng cửa 5 sân bay

Các chuyến bay đến và đi 5 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku trong thời gian ảnh hưởng của bão sẽ tạm ngừng

Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h sáng 27/9 đến 6h59 ngày 28/9.

Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9/2022.

Các chuyến bay đến và đi các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão vì thế sẽ tạm ngừng.

Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.

Một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.

Trước đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục Hàng không VN đã có công điện yêu cầu ứng trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Các chuyến bay đến và đi 5 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku trong thời gian ảnh hưởng của bão sẽ tạm ngừng.
Các chuyến bay đến và đi 5 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku trong thời gian ảnh hưởng của bão sẽ tạm ngừng.

Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.

Các đơn vị cũng cần chủ động phòng chống, rà soát, thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra; Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan, căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Đường sắt tạm dừng chạy tàu khách Thống Nhất

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đường sắt tạm dừng đôi tàu khách Thống Nhất SE5/SE6 trên tuyến Bắc - Nam để đảm bảo an toàn chạy tàu do ảnh hưởng của bão Noru.

Đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu khách Thống Nhất do ảnh hưởng bão Noru.
Đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu khách Thống Nhất do ảnh hưởng bão Noru.

Cụ thể, ngày 27/9, tạm dừng chạy chuyến tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội và tạm dừng chạy chuyến tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn.

Tàu SP1 Hà Nội đi Lào Cai ngày 30/9/2022 cũng tạm dừng chạy; hành khách đi tàu SP1 được điều chuyển sang tàu SP3 xuất phát đi Lào Cai cùng ngày.

Hành khách có vé đi tàu trong ngày tàu dừng chạy liên hệ trực tiếp nhà ga để được trả vé không mất phí.

Ngoài ra, đường sắt dừng chạy đôi tàu SE35/SE36 giữa Hà Nội - Vinh từ ngày 2/10/2022.

Trước đó, ứng phó với bão Noru, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay có lũ đột xuất.

Báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Xã Văn Bàn trên cơ sở sáp nhập từ 5 xã Sơn Thủy, Khánh Yên Thượng, Làng Giàng, Hòa Mạc và thị trấn Khánh Yên từ 1/7. Sau gần 2 tuần vận hành, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Văn Bàn đã tiếp nhận 247 hồ sơ thủ tục hành chính, 100% hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn.

fb yt zl tw