Nhiều đối tượng tìm cách tiếp cận người dân thông qua quảng cáo tuyển “cộng tác viên bán hàng”, “nhân viên nhập liệu online” hay “khóa học phát triển bản thân - đầu tư tài chính AI”. Ban đầu, người tham gia được mời vào các nhóm Zalo, Telegram… để trao đổi nội dung cụ thể và đưa vào học miễn phí thông qua ứng dụng họp trực tuyến. Sau đó, người dân được yêu cầu đóng tiền để nâng cấp tài khoản, mua gói đầu tư và mời người khác tham gia để được nhận hoa hồng.
Trường hợp của chị L.T.N, trú tại thành phố Pleiku (Gia Lai) đang làm công việc nội trợ gia đình là một ví dụ điển hình. Cần việc làm để kiếm thêm thu nhập, chị N đăng ký thông tin trên mạng và thời gian sau được một số người mời gọi, giới thiệu vào nhóm trên Zalo. Ban đầu chỉ là lớp học kỹ năng miễn phí, sau đó chị liên tục bị thuyết phục đầu tư tiền và lôi kéo người mới để hưởng phần trăm.
Điểm chung của các mô hình này là không có sản phẩm cụ thể, không tạo ra giá trị thực, thường hoạt động kiểu xoay vòng tài chính, dấu hiệu rõ ràng của mô hình Ponzi hoặc đa cấp bất hợp pháp. Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, đến nay phòng chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến các mô hình đa cấp trên không gian mạng vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, qua tiếp nhận giải quyết tin báo về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lợi dụng các hình thức đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền kỹ thuật số hoặc hưởng hoa hồng đang diễn ra phổ biến. Đặc biệt là giới trẻ đang trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm online, đầu tư bán thời gian để kiếm lợi nhuận chính là điều kiện để các đối tượng lợi dụng đánh vào tâm lý hám lời, kiếm tiền nhanh.
Theo thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, đến nay có 11 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn. Các doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng. Số người tham gia hiện khoảng 5.100 người, giảm 115 người so với năm 2023.
Ông Trần Khánh Toàn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Gia Lai cho biết, các doanh nghiệp đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ quy định pháp luật, chưa phát hiện trường hợp vi phạm tổ chức hội thảo, giới thiệu sai lệch hoặc lừa đảo qua mô hình đa cấp.
Mặc dù vậy, ông Toàn cũng lưu ý các hình thức biến tướng lại hoạt động chủ yếu trên không gian mạng, không đăng ký, không rõ sản phẩm nên rất khó kiểm soát. Các đối tượng tổ chức lớp “dạy làm giàu”, “khóa học đầu tư” núp bóng hội thảo bán hàng, yêu cầu người tham gia đóng tiền mua gói sản phẩm để được nhận việc thường liên quan đến các nền tảng như TikTok, Shopee nhưng thực chất là hình thức lừa đảo.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, các mô hình này thường không để lại thông tin cụ thể, thay đổi tên gọi liên tục, giả mạo doanh nghiệp hợp pháp để lôi kéo người dân. Người dân sau khi bị lừa thường không tố cáo nên công tác xác minh, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thượng tá Đinh Văn Sơn cảnh báo, hiện các đối tượng có nhiều chiêu thức tinh vi như dẫn dụ kết bạn làm quen qua mạng xã hội (facebook, zalo, telegram, viber…) tạo tình cảm có yếu tố nam nữ hoặc tạo dựng câu chuyện là doanh nhân, nhân viên kinh doanh, nhà môi giới có tên tuổi để chào mời các gói đầu tư có lợi nhuận cao và đảm bảo 100% có lợi nhuận. Với các gói đầu tư có giá trị nhỏ, các đối tượng có chuyển lợi nhuận về tài khoản người tham gia như cam kết để dẫn dụ. Khi người tham gia thấy có lợi nhuận và quyết định đầu tư số tiền lớn hơn thì các đối tượng ngắt liên lạc và chiếm đoạt.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, phần lớn mô hình kinh doanh đa cấp trá hình hiện nay thường lách luật, không đăng ký hoạt động, không có hợp đồng, sản phẩm hay trụ sở rõ ràng nên không đủ điều kiện xử lý theo Luật Cạnh tranh hoặc các quy định về kinh doanh đa cấp. Thêm vào đó, giao dịch thường được thực hiện qua ví điện tử, app online nên việc thu thập chứng cứ rất phức tạp, đòi hỏi thời gian dài cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và quan trọng nhất vẫn là phản ánh kịp thời từ người dân. Do đó, muốn ngăn chặn từ gốc, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường tuyên truyền và phổ biến quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh đa cấp, tài chính ảo và phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Sở Công Thương tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không tham gia các mô hình đầu tư không rõ ràng, không sản phẩm, hứa hẹn lợi nhuận cao. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động cung cấp thông tin, phản ánh kịp thời về những hành vi nghi ngờ lừa đảo để lực lượng chức năng xác minh, xử lý kịp thời, bảo vệ quyền lợi bản thân và cộng đồng.
Trước nguy cơ lớn từ các mô hình đa cấp trá hình hoạt động trên không gian mạng, người dân cần cảnh giác, mạnh dạn báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn để tránh rủi ro và tổn thất cho bản thân - bà Đào Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh.
Cùng đó, Thượng tá Đinh Văn Sơn cũng khuyến cáo người dân chủ động cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao qua các thông tin cảnh báo trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân đưa lên mạng một cách thiếu kiểm soát; không tham lam những món lợi nhuận lớn một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào “việc nhẹ lương cao”, không tùy tiện tham gia vào các hội nhóm hướng dẫn đầu tư với người lạ trên mạng xã hội.
Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì mọi tổ chức, cá nhân muốn hoạt động đa cấp đều phải đăng ký với Bộ Công Thương, có sản phẩm cụ thể, hoạt động minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật. Việc mời chào đầu tư không sản phẩm, trả hoa hồng theo mô hình kim tự tháp là hành vi bị cấm, vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.