Thủ đoạn chung của các đối tượng này là, tự xưng là “tổng đài viên của lực lượng Cảnh sát giao thông”, thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, "tổng đài" đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản. Nếu "người vi phạm" chưa nhận được biên bản, "tổng đài" yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Nhiều người dân bất ngờ khi được nghe thông báo này, thường hoang mang, lo sợ. Khi đánh trúng tâm lý lo sợ này, các đối tượng lập tức yêu cầu người nghe chuyển tiền vào tài khoản định sẵn, hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”.
Đồng thời, không quên "yêu cầu" nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Tình trạng nêu trên đã diễn ra một thời gian dài, mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo, tuy nhiên vẫn có nhiều người bị mất tiền oan với chiêu trò này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người dân nhận được những cuộc gọi tương tự, gây ức chế, bức xúc.
Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết: Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông quy định:
Các trường hợp vi phạm được phát hiện thông qua hệ thống giám sát, hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan, đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính làm việc.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính, thì đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Bộ Công an khẳng định: việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy, hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua thông báo "phạt nguội" giao thông. Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh "mắc bẫy của đối tượng xấu". Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như nêu trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.