Gần đây, trên nhóm "Cảnh báo lừa đảo" với hơn 50.000 thành viên, anh Võ Đạt đã chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo tuyển dụng mạo danh Tập đoàn Masan, thu hút sự chú ý và trở thành lời cảnh báo cho những ai đang có nhu cầu tìm việc.
Theo lời anh Đạt, anh nhận được cuộc gọi và email từ một người tự xưng là đại diện của Masan Group, mời anh tham gia ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh. Quá trình phỏng vấn được thông báo sẽ gồm hai đợt gồm online và trực tiếp. Điểm đáng ngờ là anh được yêu cầu tham gia phỏng vấn online qua một nhóm Telegram mang tên "Nhóm sơ tuyển Masan" thay những nền tảng phỏng vấn uy tín.
Sau khi tham gia vào nhóm, anh Đạt thấy có 6 thành viên khác cũng đang ứng tuyển. Anh được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra trong 20 phút thông qua đường link do nhóm cung cấp. Sau khi hoàn thành, anh nhận được thông báo đã vượt qua và được nhận 100.000 đồng hỗ trợ, với lý do giúp anh thực hiện "vòng thi tiếp theo".
Vòng hai có tên gọi "DỰ ÁN PHÚC LỢI – XÃ HỘI" yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin cá nhân gồm họ tên, số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng để tham gia nhiệm vụ. Nhóm này giải thích rằng mục tiêu của vòng này là quảng bá cho đối tác thông qua các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhận thấy quá trình tuyển dụng bắt đầu có nhiều dấu hiệu bất thường, anh Đạt quyết định dừng lại. "Tôi nhận ra mình có thể đang bị lừa và kịp thời thoát khỏi tình huống trước khi mất thông tin quan trọng. Những ai đang tìm việc cũng cần cảnh giác và kiểm tra kỹ lưỡng trước các lời mời ứng tuyển" - anh Đạt chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Đức Minh (quận Gò Vấp, TP HCM), bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên Điện máy Xanh, mời anh tham gia làm cộng tác viên bán hàng online. Người gọi tỏ ra chuyên nghiệp, thuyết phục anh rằng công việc rất đơn giản, chỉ cần hoàn thành các nhiệm vụ bán hàng theo hướng dẫn từ nhóm quản lý, anh sẽ nhận được hoa hồng hấp dẫn.
Sau khi đồng ý, anh Minh được kết bạn qua Zalo và nhanh chóng được thêm vào một nhóm chat có nhiều thành viên. Trong nhóm, người tự xưng là "trưởng nhóm" hướng dẫn anh từng bước, yêu cầu anh thực hiện một loạt nhiệm vụ bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, các nhiệm vụ dần trở nên mơ hồ và không rõ ràng, khiến anh Minh bắt đầu nghi ngờ.
"Nhờ đã được cảnh báo từ trước về các hình thức lừa đảo tương tự, tôi nhận ra ngay đây là trò lừa đảo. Tôi lập tức rời khỏi nhóm, hủy kết bạn và may mắn thoát khỏi bẫy lừa" - anh Minh kể lại.
Sự việc của anh Minh và Đạt cho thấy các chiêu thức lừa đảo tuyển dụng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn, khi kẻ gian không chỉ mạo danh các thương hiệu lớn mà còn sử dụng nhiều phương thức để tạo lòng tin, như chuyển tiền với lý do không rõ ràng hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng lạ.
Người tìm việc cần cẩn trọng trước những yêu cầu bất thường, nhất là khi được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tải phần mềm không rõ nguồn gốc, hoặc nhận tiền mà không có sự giải thích hợp lý.
Việc luôn kiểm tra thông tin tuyển dụng từ các nguồn đáng tin cậy, liên hệ trực tiếp với các công ty để xác minh là bước quan trọng để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.
Đại diện Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết thời gian qua, liên tục nhận được phản ánh về các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng, mạo danh công ty mời gọi làm cộng tác viên bán hàng, đánh giá sản phẩm và hứa hẹn trả hoa hồng hấp dẫn….
Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng tên tuổi của thương hiệu lớn như Thế Giới Di Động để tạo lòng tin, đồng thời yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các giao dịch qua tài khoản không rõ nguồn gốc.
Để bảo vệ khách hàng và người tìm việc, Thế Giới Di Động khẳng định chỉ sử dụng hai tài khoản ngân hàng chính thức: 123456 tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 979979 tại Ngân hàng Quân Đội (MB). Bất kỳ giao dịch nào ngoài hai tài khoản này đều có dấu hiệu lừa đảo.
Ngoài ra, tất cả các thông tin liên hệ chính thức của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đều đến từ tổng đài và các trang mạng xã hội có dấu tích xanh xác minh, giúp người dùng dễ dàng phân biệt với các tài khoản mạo danh.
Khi giao dịch với cá nhân nhân viên, khách hàng nên yêu cầu cung cấp các thông tin xác minh như số điện thoại, căn cước công dân hoặc thực hiện cuộc gọi video để kiểm tra. Những đối tượng lừa đảo thường né tránh hoặc trả lời không rõ ràng khi được yêu cầu xác minh danh tính.
"Thế Giới Di Động khuyến cáo người tìm việc và khách hàng luôn cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng thông tin để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng xấu" - vị này nói.