LCĐT - Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh tiếp nhận 1 ca cấp cứu bệnh nhân nhi bị dị ứng và sốc phản vệ nghiêm trọng do gia đình tự ý sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sỹ. Theo lời kể của gia đình, vào buổi sáng cùng ngày, bệnh nhi xuất hiện ban đỏ, mẩn ngứa toàn thân, được mẹ đưa đến hiệu thuốc tư nhân và được một dược sỹ tại hiệu thuốc tiêm. Ngay sau đó, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng chóng mặt, khó thở và ngất.
Bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh và được các bác sỹ nhanh chóng cấp cứu, điều trị. Ngoài trường hợp này, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân có triệu chứng dị ứng khác nhau. Có thể kể đến như bệnh nhân Trần Thị N. (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) bị ngộ độc dược phẩm và chất sinh học khác, có triệu chứng tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực không ổn định và đau bụng. Một số bệnh nhân dị ứng do nguyên nhân khác như Bàn Văn T. (thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng) nhập viện trong tình trạng phản vệ độ 2 do côn trùng đốt không rõ loài, có nhiều triệu chứng như hạ kali máu, rối loạn cân bằng nước, điện giải...; bệnh nhân Bùi Tiến D. (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai) bị choáng phản vệ độ 2 do dị ứng với tôm.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tuy (Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh) khám cho bệnh nhân dị ứng. |
Bác sỹ Nguyễn Văn Tuy, Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh cho biết: Các ca bệnh dị ứng có thể do nhiều nguyên nhân, như dị ứng thức ăn, thuốc, côn trùng hoặc mỹ phẩm... Với mức phản vệ độ 2, bệnh nhân đều được cấp cứu, điều trị kịp thời, thành công.
Theo bác sỹ Tuy, bệnh dị ứng có nhiều mức độ khác nhau. Bệnh nhẹ chỉ biểu hiện nổi mẩn đỏ ngoài da, hắt hơi, sổ mũi. Bệnh nặng có nhiều biểu hiện như tức ngực, khó thở, tăng nhịp tim và giai đoạn phản vệ có thể kèm tụt huyết áp, sốc. Các trường hợp thường gặp nhất là dị ứng thực phẩm. Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn, mức độ nặng hay nhẹ của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn đã tiêu thụ và cơ địa của người bệnh. Bên cạnh đó, những yếu tố từ môi trường sống cũng dẫn đến dị ứng như ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với các chất gây dị ứng...
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cuối tháng 4 vừa qua, các bác sỹ cũng cấp cứu thành công bệnh nhân phản vệ sau khi ăn đuông cọ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn. Trước đó, bệnh nhân ăn 3 con đuông cọ trong bữa tối. Qua thăm khám, các bác sỹ xác định đây là trường hợp phản vệ độ 2, nếu không xử lý kịp thời sẽ chuyển thành sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, một số thực phẩm có tỷ lệ dẫn đến dị ứng cao như sữa bò, trứng, hải sản, lạc, các loại hạt... Bên cạnh đó, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn côn trùng như ve sầu, bọ xít, đuông cọ, nhộng tằm... bởi chúng chứa một số chất gây dị ứng và những người có cơ địa không phù hợp rất dễ bị ngộ độc.
Khi người có biểu hiện dị ứng, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cách xử lý tức thời là gây nôn và cho uống nhiều nước trước khi đưa đến cơ sở y tế. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần chú ý bảo vệ sức khỏe khi thời tiết thay đổi, thận trọng với các loại thức ăn lạ và sử dụng mỹ phẩm, thường xuyên vệ sinh môi trường sống, tích cực tập thể dục tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, khi bị dị ứng, bệnh nhân cần nhớ thông tin như các yếu tố đã tiếp xúc, thức ăn đã sử dụng để bác sỹ có cơ sở xác định nguyên nhân, giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.