1.Để Tổ quốc mãi yên bình, hằng năm, hàng vạn chàng trai mười tám, đôi mươi nô nức lên đường tòng quân, tiếp bước quân hành vinh quang của cha anh. Từ điệp trùng núi non vùng cao cho tới đồng bằng hay miền biển ầm ào sóng vỗ, nụ cười tươi rói trên những gương mặt thanh xuân khi bước qua Cổng Vinh Quang đỏ thắm được dựng lên ở các lễ giao nhận quân dường như đã xua tan giá lạnh của tiết đông muộn trong ngày nhập ngũ đầu năm.
Với tôi, dư âm của những ngày “Hội Xuân tiễn bạn tòng quân” luôn đọng lại nhiều câu chuyện đáng khâm phục về ý chí, sự quyết tâm cùng suy nghĩ chín chắn của những người trẻ hôm nay. Dẫu biết thời gian trong quân ngũ là không dễ dàng với những quy định khắt khe về quân phong, quân kỷ cùng sự rèn tập nghiêm khắc, song lý trí và con tim đều mách bảo các bạn trẻ phải tiếp nối mạch nguồn hào hùng của dân tộc anh hùng.
Đầu xuân năm ngoái, gác lại những hẹn hò cùng công việc đang ổn định, cô gái Phạm Thị Thảo (SN 1998, ở thôn Trung Đồng, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) trở thành nữ thanh niên duy nhất của huyện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024. Một tuần trước khi chính thức gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, tại cuộc tọa đàm “Khát vọng cống hiến - Vững bước tương lai”, Thảo và cậu em trai ruột vừa tốt nghiệp cấp 3 là Phạm Minh Quân (SN 2005) khiến nhiều người thán phục khi biết cả hai chị em đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đặc biệt, Quân đã được Chi bộ thôn Trung Đồng kết nạp Đảng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thảo tâm sự với tôi: “Chúng em được sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh. Đây là điều may mắn của chúng em khi các thế hệ đi trước đã đổ xương máu để có được hòa bình. Em và em trai mình đều xác định nhập ngũ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân với Tổ quốc thân yêu, là cơ hội tốt để rèn luyện và trưởng thành”.
2.Xa quê hương và người thân, từ những người lính chính quy trọn đời “lấy binh làm nghiệp” cho tới những chàng trai, cô gái đi nghĩa vụ quân sự hai năm, đều đong đầy nỗi niềm hậu phương. Thế nhưng, họ luôn tâm niệm một điều rằng đơn vị cũng chính là ngôi nhà thứ hai, nơi họ được san sẻ những yêu thương ấm áp và đong đầy tình đồng chí, đồng đội. Khung trời mới này cũng là nơi để họ thử thách nghị lực, tôi rèn ý chí, thậm chí chấp nhận hy sinh vì những điều bình dị nhưng rất đỗi cao đẹp cho lý tưởng “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Đó là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ… đang từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút trực chiến trên những đài, trạm ra-đa nơi điểm cao ngút ngàn, heo hút. Đó là những chiến binh kiên gan bám trụ trên nhà giàn chênh vênh nơi thềm lục địa và vật lộn với sóng gió hiểm nguy nơi đảo chìm, đảo nổi giữa Biển Đông. Đó là những người lính biên thùy dãi dầu sương gió hay những người lính không quân quả cảm trên bầu trời đất Mẹ thân yêu... Tất cả đều sẵn sàng giương cao lưỡi lê đầu súng, đồng lòng tiến bước dưới Quân kỳ Quyết thắng để Quốc kỳ Việt Nam mãi tự hào tung bay.
“Nhân dân cần bộ đội có, nhân dân khó có bộ đội”, với mệnh lệnh từ trái tim, trong nhiều năm qua, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành hay trong các sự cố lớn nhỏ, màu xanh áo lính luôn kịp thời hiện hữu.
Đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 phủ bóng chết chóc, bức tường thành vững chắc của những người lính Biên phòng quân hàm xanh đã nhanh chóng được thiết lập trên mọi nẻo biên cương; cùng với đó, hàng nghìn y bác sĩ, học viên ngành Quân y kịp thời được tung vào các điểm nóng chống dịch; đội quân phòng hóa cũng giăng bức màn khử độc hữu hiệu để giúp đồng bào vượt cơn nguy khó; trong những khu cách ly hay tại những khu phố bị phong tỏa, cũng luôn có các đội hình của Quân đội tiếp tế nhu yếu phẩm, chăm lo sức khỏe cho đồng bào.
Gần đây nhất, khi cơn bão YAGI với sức công phá kinh hoàng, gây lũ quét tàn phá nhiều địa phương, gây tang thương cho nhiều gia đình, Quân đội ta lại sát cánh cùng đồng bào chống “giặc thiên tai”. Những đoàn quân từ các Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn, Binh chủng… cấp tập, hối hả đem theo phương tiện, khí tài và đặc biệt là lương thực, thực phẩm đi cứu giúp nhân dân, tìm kiếm người mất tích, dựng lại nhà cửa cho người dân vùng bị thiệt hại bất kể đêm ngày đã thực sự lan tỏa, thấm đẫm tình quân dân, nghĩa đồng bào.
Trong quá trình lội sâu trong bùn đất tìm kiếm các nạn nhân sau trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ (Lào Cai), cậu Binh nhì dân tộc Mông Thào Mí Lình - chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) bị đinh nhọn cắm sâu vào lòng bàn chân, máu chảy rất nhiều. Khi được chuyển đi bệnh viện, Lình đã khóc vì không được ở lại cùng đồng đội giúp bà con Làng Nủ kiếm tìm người thân…
3.Được nhân dân mến gọi danh xưng “Chiến sĩ của dân”, “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực sự gác niềm riêng vì nghĩa lớn. Thời chiến, muôn vàn người con ưu tú của dân tộc đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Thời bình, họ lại âm thầm chịu đựng những nỗi niềm thổn thức và đau đáu góc khuất hậu phương khó bề chu toàn.
Có nhiều năm gắn bó với đề tài người lính và lĩnh vực quân sự - quốc phòng, tôi được tiếp xúc với rất nhiều người lính trên mọi miền Tổ quốc và không khỏi xót xa xen lẫn cảm phục về ý chí của họ cùng những vất vả ở phía quê nhà. Một quân nhân công tác trong lực lượng Hải quân đang đóng quân ở Trường Sa và xa nhà đằng đẵng gần 30 năm tâm sự với tôi rằng, thương nhớ hậu phương càng lớn thì anh càng quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cha mẹ già yếu, đau ốm, vợ không công ăn việc làm, con cái bị bệnh nan y khó chữa chạy… Đồng lương quân nhân được họ chi tiêu tằn tiện, gom góp gửi về quê nhà trở thành cứu cánh duy nhất cho cuộc sống của gia đình. Có những người lính nơi chốt tiền tiêu hay đảo xa khi cha mẹ qua đời đã không kịp về chịu tang; con thơ nằm viện phải nhờ người thân, hàng xóm qua đỡ đần.
Con trai và chồng xa nhà biền biệt, nhiều mẹ chồng và nàng dâu đồng cam cộng khổ suốt hàng chục năm, thậm chí giấu đi chuyện khó nhọc ở nhà để người lính yên tâm công tác. Và khi người lính không may ngã xuống giữa thời bình để Tổ quốc mãi trường tồn, hậu phương của họ lại âm thầm nuốt lệ vào trong, kiên cường đứng dậy bước tiếp hành trình dang dở của cha, của chồng. Đã có không ít người vợ, người con liệt sĩ, sau khi chồng, cha hy sinh, đã gia nhập Quân đội bằng ý chí mạnh mẽ.
Khó có thể nói hết về những góc khuất muôn hình trạng về hậu phương của người lính. Nhưng tôi luôn tin rằng, nhờ sự sẻ chia, động viên của những ông bố, bà mẹ và sự tảo tần của những người vợ chấp nhận thiệt thòi, người lính sẽ thêm vững tin vào sự lựa chọn binh nghiệp và sứ mệnh cao cả mà họ đang gánh vác, để hát mãi Khúc quân hành vinh quang.