Họa sĩ minh họa Karla Ortiz nói rằng nhiều nghệ sĩ đã bị mất việc vì AI.
Theo một báo cáo của Goldman Sachs hồi tháng 3 vừa qua, dự đoán có đến 3 triệu việc làm có thể bị mất đi vì công nghệ mới.
Các nghệ sĩ là một trong những người đầu tiên tiếp cận với AI, nhưng khi mức độ phổ biến của công nghệ này ngày càng tăng, nhiều nghệ sĩ cho biết cơ hội việc làm của họ bắt đầu cạn kiệt.
Eva Toorenent làm họa sĩ minh họa tự do từ năm 2019. Cuối năm ngoái, cô bị sốc khi phát hiện một nghệ sĩ khác lấy tác phẩm của cô đăng lên Instagram và sử dụng nó làm dữ liệu cho AI Midjourney - một công cụ tạo ra hình vẽ AI từ những từ khóa dựa trên phong cách vẽ của các nghệ sĩ. Người này sau đó còn bán tác phẩm cho một phòng trưng bày.
“Thật đau lòng. Trước đây tôi đã từng bị đánh cắp tác phẩm, nhưng đây là cách vi phạm mới mà tôi chưa từng thấy”, Eva chia sẻ. Cũng từ đó, nữ nghệ sĩ ngày càng thấy AI trở nên thông dụng hơn trong ngành nghề của mình và công nghệ này được sử dụng để cắt giảm chi phí và trở thành mối nguy lớn cho các nghệ sĩ tự do.
Eva Toorenent làm nghề họa sĩ minh họa từ năm 2019.
Những công việc ở cấp độ nền tảng đang dần bị cắt giảm
Theo các nghệ sĩ, các công việc đảm nhiệm những khâu cơ bản và không cần nhiều kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình, và game đang dần được thực hiện hết bằng AI.
Reid Southen, một nghệ sĩ lên ý tưởng và họa sĩ minh họa ngành phim cho biết: “Ngay từ mùa hè năm ngoái, tôi đã nhận thấy công việc đang dần cạn kiệt từng chút một. Ngoài việc suy thoái kinh tế thì sự xuất hiện của AI cũng có thể đóng vai trò hàng đầu trong vấn đề này”.
“Các công ty có thể đưa đẩy vào AI một loạt từ khóa và nhận về hàng nghìn ý tưởng chỉ trong một buổi chiều”, Reid nói.
Karla Ortiz, một nghệ sĩ ý tưởng kiêm họa sĩ minh họa khác thì chia sẻ: “Tôi là một người làm nghề tự do nên sẽ tính công theo giờ và AI được sử dụng để giảm 100% thời gian làm việc của tôi trong dự án đó. Điều đáng báo động là nó đang dần được lặng lẽ đưa vào sử dụng trong nhiều tác phẩm khác nhau”.
Reid Southen - nghệ sĩ lên ý tưởng và họa sĩ minh họa lĩnh vực điện ảnh.
Các công ty sử dụng AI để cắt giảm chi phí
Trong khi cuộc tranh luận về AI vẫn đang diễn ra gay gắt, các công ty đã nhanh chóng đưa nó vào thông báo sa thải và sử dụng như một cái cớ để thu hẹp quy mô nhân sự.
IBM - tập đoàn công nghệ máy tính hàng đầu đã tạm ngừng tuyển dụng những vị trí có thể được thay thế bằng AI, BT Group - công ty viễn thông đa quốc gia của Anh đầu năm nay đã công bố kế hoạch sẽ dùng AI để thay thế 10.000 việc làm bị cắt giảm.
Và điều tương tự cũng đã xảy ra trong ngành nghệ thuật. Ben Zhao - giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Chicago cho rằng sự bùng nổ của AI đã tạo ra một cuộc đua đi xuống, khi các công ty sa thải và những vị trí đảm nhiệm công việc nghệ thuật cấp thấp để tiết kiệm chi phí.
Reid Southen thì lo lắng rằng sự hiện diện của AI đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” thúc đẩy các công ty cắt giảm việc làm: “Tôi nghĩ họ đang nhìn vào những con số, xem xét về các biện pháp tiết kiệm chi phí và những công cụ mới giúp họ bớt đau đầu về chi phí nhân lực”.
Có thể thấy, các cơ hội đang dần mất đi một cách đáng tiếc khi AI sao chép phong cách của các nghệ sĩ và tạo ra hàng nghìn tác phẩm trong khi họ lại mất việc làm.
Khi lần đầu tiếp cận với AI và ngay lập tức nhận ra tác phẩm của mình đã bị sử dụng làm “công cụ” để đào tạo cho trí tuệ nhân tạo, Eva Toorenent đã cảm thấy vô cùng lo ngại: “Thật đáng sợ khi biết rằng người ta đã lấy tác phẩm của tôi để tạo ra AI mà không cần có sự đồng ý. Không có những người làm nghề như chúng tôi, công nghệ này không thể tồn tại được. Tôi có cảm giác như mình bị thay thế và cướp đi công việc bằng chính sức lao động của mình”.
Nghệ sĩ và những nỗi lo về tương lai
Karla Ortiz là một trong 3 nghệ sĩ đã khởi kiện và Stability AI và Midjourney vì cho rằng các công ty này đã vi phạm luật bản quyền khi cho ra đời mô hình AI thay thế công việc chính của họ. Nữ họa sĩ cho rằng những tác động của AI hiện tại khiến nhiều người trở nên lo lắng và không thể theo đuổi sự nghiệp trong ngành sáng tạo nghệ thuật.
“Tôi hi vọng vụ kiện sẽ đặt ra một tiền lệ rõ ràng về những hành động nào được phép và không được phép khi phát triển những công nghệ này”.
Giáo sư Ben Zhao cũng lo ngại về việc AI có thể tạo ra tác động như thế nào đến thế hệ tiếp theo. Vì vậy, ông và nhóm nghiên cứu của mình đã phối hợp với các nghệ sĩ để tạo ra Glaze - một công cụ ngăn AI “tìm hiểu” và bắt chước phong cách của các nghệ sĩ và tái tạo lại nó. Theo ông, Glaze như một biện pháp tạm thời để "câu giờ" trong khi chờ các hệ thống pháp lý và quản lý soạn thảo các quy định mới về cách đối phó với AI.
Hiện 2 công ty Midjourney và Stability AI vẫn chưa có phản hồi nào về vấn đề này.
Họa sĩ Karla Ortiz không chấp nhận việc các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo sử dụng tác phẩm của mình để đào tạo AI.