Các đơn vị, địa phương tăng cường ứng phó với bão số 3

Ngày 7/9, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác đảm bảo giao thông ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương. Đồng thời, kiểm tra công tác chuẩn bị máy móc, nhân lực để sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mọi hình thái thiên tai có thể ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và các điều kiện hoạt động của bến bãi, phương tiện…

GT kiem tra 153 tung trung phô.jpg
Kiểm tra điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 153, đoạn thuộc địa phận xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương.

Đến chiều 7/9, Đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải đã đi kiểm tra các tuyến Quốc lộ 4, 4E, 4D, 70 và Tỉnh lộ 160, 154… Qua kiểm tra đã yêu cầu đơn vị bảo trì đường bộ và các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án phòng chống bão lũ và cắm biển cảnh báo những tuyến đường có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết: Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 769 vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng, ngầm tràn và sạt lở bờ sông, suối. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện, liên xã bị xuống cấp do đã được đầu từ lâu và do thiên tai gây ra nhưng chưa được đầu tư khắc phục kịp thời. Do đó, nếu mưa, bão tiếp tục xảy ra thì mức độ thiệt hại sẽ lớn...

QL4 mản than.jpg
Kiểm tra điểm sạt lở trên Quốc lộ 4, đoạn qua huyện Si Ma Cai.

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai tại các tuyến giao thông trọng điểm, sở đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị sẵn sàng phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung hướng dẫn, điều tiết giao thông trong điều kiện xảy ra tình huống bất ngờ; phối hợp với các đơn vị, các lực lượng chức năng trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Triển khai các đội thanh tra giao thông bố trí lực lượng phối hợp với cảnh sát giao thông để hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông tại các nút giao thông, các tuyến đường có nguy cơ bị ngập úng, có nguy cơ sạt lở; tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân luôn thông suốt, an toàn và trợ giúp người dân trong mọi tình huống..., nhất là tại huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên và thị xã Sa Pa - nơi được dự báo nằm trong vùng hoàn lưu cơn bão số 3.

* Bát Xát gửi tin nhắn cảnh báo thiên tai đến từng hộ dân

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát, để chủ động các phương án phòng chống mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra, địa phương đã thành lập 2 đoàn công tác đến tất cả các xã trên địa bàn để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai. Qua đó đã yêu cầu di chuyển hơn 200 hộ dân và hộ ở lều lán chăn nuôi, trông coi nương rẫy và điểm nuôi cá nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Cùng với đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các thôn kiểm tra từng hộ dân để đảm bảo không có trường hợp nào ở lại trên rừng và ở lều lán chăn nuôi. Đặc biệt, huyện triển khai nhắn tin đến các số điện thoại của người dân đang sinh sống trên địa bàn để thông tin về tình hình mưa bão và phương án phòng chống thiên tai.

z5807250908303_635a5d1f37a57d24c7d7f4aff9735f3e.jpg
Thống kê số người dân ở các hộ có lán chăn nuôi nằm trong vùng nguy hiểm tại xã Phìn Ngan để vận động di chuyển đến nơi an toàn.
BX1.jpg
Công an huyện Bát Xát kiểm tra an toàn tại 1 hộ dân có nguy cơ sạt lở ở xã Trịnh Tường.

* Sa Pa di chuyển người dân ở 232 cơ sở nuôi cá nước lạnh nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

SP1.jpg
Lãnh đạo thị xã Sa Pa kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa vừa thông tin địa phương đã triển khai 3 đoàn đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu bão số 3 ở 16/16 xã, phường trên địa bàn. Qua đó đã yêu cầu các xã, phường di chuyển khẩn trương người dân đang sinh sống tại 232 cơ sở nuôi cá nước lạnh nằm ở ven các khe suối và điểm có nguy cơ sạt lở và lũ quét, lũ ống. Cùng với đó, thị xã Sa Pa thực hiện di chuyển người và tài sản của 81 hộ (406 khẩu) ra khỏi vị trí nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

SP2.jpg
Vận động người dân ở các cơ sở nuôi cá nước lạnh di chuyển đến nơi an toàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Bên cạnh tăng cường công tác phòng chống thiên tai thì trong 2 ngày 6/9 và 7/9, thị xã Sa Pa đã huy động lực lượng công an xã, đoàn viên thanh niên, dân quân hỗ trợ người dân gặt chạy mưa với diện tích khoảng 200 ha lúa đến thời kỳ thu hoạch.

SP3.jpg
Lực lượng công an xã, đoàn viên thanh niên, dân quân các xã hỗ trợ người dân gặt chạy mưa.

* Bắc Hà yêu cầu các nhà máy thuỷ điện vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Hà, trước nguy cơ hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên địa bàn, địa phương này đã có văn bản gửi các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập và tổ chức vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình.

Cùng với đó, huyện Bắc Hà yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư vùng hạ du; chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.

Hiện trên địa bàn huyện Bắc Hà có 4 nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện Bắc Hà (Cốc Ly), Nhà máy thủy điện Bảo Nhai, Nhà máy thủy điện Nậm Lúc, Nhà máy thủy điện Nậm Khánh.

BH1.jpg
Lực lượng chức năng huyện Bắc Hà cắm biển cảnh báo điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 160.

Sáng 7/9, khi trên Tỉnh lộ 160, đoạn qua thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc xuất hiện điểm sạt lở lớn. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức dọn hót đất đá để thông đường, đồng thời cắm biển cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

* Văn Bàn lập 23 đội xung kích với gần 2.000 người để chủ động ứng phó với thiên tai

Ngày 6 và 7/9, huyện Văn Bàn đã tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại 23 xã và thị trấn. Trưởng các đoàn công tác là lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện.

Để người dân chủ động phương án phòng chống thiên tai, huyện Văn Bàn đã xây dựng các bản tin cảnh báo để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và xã; tuyên truyền lưu động bằng loa chở trên xe máy đến các địa bàn khó khăn, địa bàn nguy cơ cao về thiên tai. Cùng với đó là đăng tải thông tin trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... để thông tin đến người dân chủ động phòng tránh thiên tai.

Van Ban.jpg
Xã Nậm Xây chủ động di chuyển người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cũng trong ngày 7/9, huyện Văn Bàn đã tổ chức rà soát các hộ dân trong vùng nguy hiểm ở xã Minh Lương, Hòa Mạc và Nậm Mả để di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn. Đặc biệt, đã yêu cầu đơn vị thi công nâng cấp Quốc lộ 279 chủ động phương án đảm bảo giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông kéo dài.

Theo đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, hiện nay địa phương đã cơ bản hoàn thiện các phương án ứng phó với mưa lũ, với lực lượng huy động sẵn sàng gồm 100 xe ô tô tải, 8 xe ô tô chở người, 12 ô tô con, 3 xe cứu thương, 20 máy xúc, 1 máy ủi, 400 áo phao cứu sinh, 256 phao tròn cứu sinh, 10 nhà bạt và một số phương tiện khác huy động từ Nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp đang thi công các công trình trên địa bàn huyện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện lập 23 tổ trực ban phòng chống thiên tai với tổng số 280 người để ứng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về những đại biểu hội đồng nhân dân như bà Trần Hoài Thu, ông Sùng A Siềng, bà Đặng Thị Sinh, họ đều là tấm gương hết lòng vì Nhân dân nơi “tâm lũ”. Trên hành trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều đại biểu dân cử trong vùng thiên tai. Câu chuyện từ thực tế đời sống, việc làm ý nghĩa của các đại biểu và tình cảm bà con dành cho họ đều khẳng định một điều: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân.

Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

“Nơi chốn mình từng đi về trong suốt hàng chục năm qua bỗng một ngày tan hoang. Những người dân bản thân quen giờ chỉ có thể nhìn lại trong bức ảnh chụp vào Ngày hội Đại đoàn kết một năm về trước… Xót xa, đau lòng lắm! Mình phải biến đau thương thành hành động để giúp đồng bào” là những lời tâm sự nghẹn ngào của bà Đặng Thị Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà về trận lũ kinh hoàng vừa quét qua mảnh đất này.

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Ngải Thầu tiếng Mông nghĩa là “mũi đá”, trước đây là một xã độc lập nhưng hiện nay đã được sáp nhập vào xã A Lù, huyện Bát Xát. Ở mảnh đất biên giới cheo leo trên sườn núi ấy, ông Sùng A Siềng (dân tộc Mông) là đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai sau cơn bão số 3.

Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Tôi đã ấp ủ bài viết về bà sau cuộc gặp ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) - nơi vừa chịu bao đau thương do cơn lũ lịch sử gây ra. Người đàn bà ở tuổi 55, dáng người nhỏ bé, quần xắn móng lợn, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nơi “tâm lũ” Làng Nủ. Suốt 20 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, 20 năm làm đại biểu HĐND xã Phúc Khánh, bà Trần Hoài Thu luôn được bà con quý trọng, mến yêu. Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, người đại biểu ấy không một ngày ngơi nghỉ vì đồng bào vùng lũ.

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Sáng 19/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND thành phố Lào Cai có buổi tiếp xúc cử tri các phường Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân, Bắc Cường, Lào Cai và các xã Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cốc San. Đây là cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh và HĐND thành phố Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Lịch sử dân tộc Việt Nam hào hùng trong chương trình “Cùng nhau giữ nước”

Lịch sử dân tộc Việt Nam hào hùng trong chương trình “Cùng nhau giữ nước”

Tối 18/11, tại Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND TP Hà Nội, giao Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và các cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”.

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai dự Đại hội các thành phố hữu nghị quốc tế Trung Quốc năm 2024

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai dự Đại hội các thành phố hữu nghị quốc tế Trung Quốc năm 2024

Sáng 18/11, Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do đồng chí Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thành phố Côn Minh, Thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dự Đại hội các thành phố hữu nghị quốc tế Trung Quốc năm 2024.

fbytzltw