Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo huyện Si Ma Cai…
Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong cùng Đoàn đại biểu đã thay mặt Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lào Cai dâng hương, hoa và dành phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, bày tỏ sự tri ân sâu sắc với công lao to lớn của các anh vì độc lập - tự do - hạnh phúc của dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác nguyện hứa tiếp tục đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Tại đây, trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước có hàng vạn người con đã ngã xuống vì miền Nam thân yêu.
Ngã ba Đồng Lộc - địa danh từng là huyết mạch giao thông nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy Trường Sơn để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Chính vì vậy, Ngã Ba Đồng Lộc (thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành trọng điểm đánh phá của kẻ địch. Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh hơn 3 quả bom.
Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A nơi 10 nữ thanh niên xung phong đang tránh bom làm tất cả hy sinh. Khi đó, người trẻ nhất mới 17 tuổi, người lớn nhất 24 tuổi.
Tri ân sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tiểu đội 10 cô gái. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia có tổng diện tích 50 ha.