Với phong cảnh hùng vỹ, bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo và khí hậu đặc trưng, Sa Pa không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai mà còn là Khu Du lịch quốc gia được ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Với những lợi thế đó, du lịch Sa Pa trong những năm qua có bước chuyển mình tích cực.
Giai đoạn năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch của Sa Pa chững lại, tuy nhiên từ năm 2023, du lịch Sa Pa đã khởi sắc trở lại. Theo đó, trong năm 2023, thị xã đón 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.600 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, Sa Pa đón hơn 3,3 triệu lượt khách doanh thu đạt 11.806 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng. Không chỉ thể hiện ở những con số, du lịch Sa Pa còn nhận được những bình chọn ấn tượng, như: Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 1 trong 10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á…
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, một trong những yếu tố quan trọng giúp Sa Pa ngày càng thu hút và có kết quả khởi sắc trong du lịch, đó là mở rộng hợp tác phát triển. Cụ thể, Sa Pa nhận định việc hợp tác, liên kết là nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy du lịch của địa phương. Bởi hoạt động này giúp thu hút đầu tư giữa các địa phương; tạo cơ hội trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; quản lý, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù, giúp gây dựng hình ảnh và thương hiệu chung của mỗi địa phương. Về phần mình, việc “bắt tay” phát triển du lịch giúp Sa Pa mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của địa phương; hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn; nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung; thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng.
Để có nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch, thị xã Sa Pa đã và đang chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến; đẩy mạnh công tác kêu gọi, giới thiệu thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các địa phương; ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh E-marketing, đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, mạng xã hội (YouTube, Facebook, TikTok, Instagram…) để tạo sức lan tỏa và quảng bá hình ảnh của Sa Pa.
Với sự chủ động đó, Sa Pa đã có được những cái “bắt tay” phát triển du lịch với nhiều đơn vị, địa phương trong và ngoài nước: Huyện Tam Đường (Lai Châu); Hoàng Su Phì (Hà Giang); Mù Cang Chải (Yên Bái); thành phố Hội An (Quảng Nam); thành phố Huế (Thừa thiên Huế); Liên minh du lịch quốc tế các thành phố hữu nghị Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc); quận Ngũ Hoa (thành phố Côn Minh, Trung Quốc); huyện Bình Biên (châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)… Đặc biệt, được sự đồng ý của tỉnh, thị xã Sa Pa cũng có phối hợp với một số Đại sứ quán tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa tại Sa Pa, như: Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Ngày Quốc tế Yoga; phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Ngày văn hóa Hàn Quốc…
Qua hoạt động mở rộng hợp tác, Sa Pa đa dạng sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Những loại hình này được xây dựng, phát triển trọng tâm vào các hoạt động bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch và mở rộng liên kết các tour du lịch, sản phẩm du lịch giữa hai địa phương; trưng bày, triển lãm ảnh, tuyên truyền, quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư thương mại du lịch; bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch khi đến với Sa Pa…
Bà Hoàng Thị Vượng nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, Sa Pa luôn chủ động mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước với mục đích trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong thời gian tới, thị xã Sa Pa vẫn xác định và ưu tiên việc mở rộng hợp tác là nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy du lịch của Sa Pa. Định hướng của địa phương là phát triển các không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao giải trí gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử của thị xã.
Trong đó, ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương xung quanh; xây dựng một số giải pháp, tạo sự gắn kết giữa các địa phương, cùng xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới để đột phá, phát triển xứng tầm; từng bước chuyển từ du lịch điểm sang du lịch vùng; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch vùng hiện đại, bản sắc, chất lượng, thân thiện và an toàn...