Anh N.T.H. ở thành phố Lào Cai phải đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện và điều trị cùng bác sỹ tâm lý, bởi con gái 14 tuổi của anh có những biểu hiện tâm lý bất ổn. Bác sỹ chẩn đoán con gái anh H. bị trầm cảm và đang phải điều trị bằng thuốc cùng liệu pháp tâm lý.
Theo anh T.H., từ cách đây hơn 1 năm, sau khi vợ anh đi lao động ở nước ngoài, bé V.T. trở nên ít nói, dần xa lánh mọi người. Ban đầu, anh chỉ nghĩ con buồn vì phải xa mẹ, nhớ mẹ, nhưng sau đó, khi thấy con ngày càng thu mình, học tập sa sút, có những hành vi lặp đi lặp lại như xoắn tay, dùng tay bật môi, ngồi lặng thinh trong nhiều giờ đồng hồ… anh rất lo lắng. Anh đã nhiều lần ngồi chia sẻ cùng con, tâm sự nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Do tâm lý bất ổn nên T. phải nghỉ học. Bất ngờ cách đây vài tuần, anh H. phát hiện trên cánh tay con có nhiều vết cứa do dao lam. Lo lắng con có hành vi tự làm đau bản thân nên anh phải nhờ người thân đến ở cùng để theo dõi, chăm sóc con những lúc anh đi làm. Anh H. đã bàn với vợ thu xếp công việc để trở về, cùng quan tâm, chăm sóc con gái.
Điều đáng nói, trầm cảm đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự tử. Cách đây đã 2 năm, chắc hẳn chưa ai quên hình ảnh đau lòng qua video khi một học sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử ngay trước mắt bố mình. Những dòng thư tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ cho thấy áp lực tâm lý của em trong suốt thời gian dài, khiến em dại dột kết thúc cuộc sống ở tuổi 16.
Những áp lực học tập, áp lực trước kỳ vọng của bố mẹ hoặc những mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè… có thể khiến thanh thiếu niên mắc trầm cảm, gây ra hệ lụy khôn lường. Những câu chuyện đau lòng đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo để phụ huynh quan tâm hơn đến biến đổi tâm lý của con trẻ, lắng nghe để hỗ trợ con kịp thời vượt qua những khó khăn, giải tỏa tâm lý, giúp con có suy nghĩ tích cực.
Có thể nhận biết bệnh trầm cảm qua một số dấu hiệu như: Tâm trạng buồn bã, chán nản; giảm hứng thú hoặc niềm vui trong hầu như mọi hoạt động; giảm hoặc tăng cân một cách đáng kể mà không phụ thuộc vào chế độ ăn; mất ngủ hoặc ngủ quá mức; quá kích động hoặc quá chậm chạp; mệt mỏi; cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức; giảm khả năng suy nghĩ, tập trung; suy nghĩ thường xuyên về cái chết, có ý định tự tử lặp đi lặp lại nhiều lần...
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết:
Chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục sớm từ trong gia đình. Cha mẹ cần là người bạn thân thiết của con, luôn lắng nghe và chia sẻ cùng con, quan tâm theo dõi con từ ăn ngủ cho đến học tập ở trường; phát hiện và giảm thiểu áp lực khi nhận biết con quá tải thông qua các biểu hiện trong sinh hoạt hằng ngày như: ăn uống, giấc ngủ, mặc áo quần, giao tiếp...
Bản thân các bậc cha mẹ cũng cần trau dồi kỹ năng, đạo đức để luôn là gương tốt cho con cái noi theo; phối hợp với nhà trường, các mạng lưới tư vấn cộng đồng trợ giúp hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên…
Bên cạnh sự quan tâm của gia đình, nhà trường cũng cần tạo cho học sinh môi trường học tập an toàn, thân thiện, giáo viên chia sẻ, nắm tâm lý của học sinh để kịp thời tư vấn, giúp đỡ, định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, hoạt động thể thao, văn nghệ... thu hút học sinh tham gia; giải tỏa áp lực học tập, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đồng thời chú trọng giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng biết ơn để các em biết trân trọng hơn giá trị của cuộc sống, từ đó có thái độ sống tích cực hơn...