Bật mí làng nghề làm rối nước lâu đời nhất ở miền Bắc

Các nghệ nhân làng Rạch ngày đêm đục đẽo, sáng tác thêm các tích trò mới với niềm tin sẽ giúp những chú Tễu, cô Tiên, ông Bụt… thêm sức sống trường tồn.

Rối nước làng Rạch (Nam Định) cùng với Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình), Nhân Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hay Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) là những làng có phường rối nước lâu đời ở miền Bắc.

Người dân làng Rạch không biết đích xác loại hình nghệ thuật này có từ 300, 500 năm trước hay nhiều hơn nữa, chỉ biết múa rối nước đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành món ăn tinh thần đời này qua đời khác.

Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng - ngày kỵ đức Thành hoàng đệ nhất, dân làng lại mở hội, tổ chức đám rước linh đình, trong đó không thể thiếu là những tích trò rối nước.

406780461-6628215840610439-8230268343341497204-n-508.jpg
Những con rối được đục đẽo đường nét cách điệu rồi mới gọt giũa, đánh bóng và trang trí nhiều màu sơn khác nhau nhằm tạo tính cách cho từng nhân vật.

Thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) là một trong 3 phường rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Trải qua bao thăng trầm, ngày nay, các thế hệ nghệ nhân múa rối thôn Bàn Thạch đã đưa rối nước trở thành bộ môn nghệ thuật “đặc sản” của quê hương.

Ông Phan Văn Khuể, Trưởng Ban văn hóa của thôn kể, trước đây, phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh, tới năm 1987, làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 thuận tiện cho việc biểu diễn.

Theo thời gian, nghề rối nước nơi đây có lúc tưởng chừng bị mai một. Nhưng sức sống mạnh mẽ tiềm ẩn của nghệ thuật này một lần nữa lại được những người con làng Rạch “tái sinh” với nhiều tích trò được phục dựng như: chọi trâu, câu cá, đánh đu, tễu rúc ống, bắt vịt, đốt pháo, mở cờ, các nàng tiên ca múa, Cô đôi thượng ngàn...

roi-nuoc-1-509.jpg
Kho các nhân vật rối cổ của làng Rạch, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định.

Đau đáu theo đuổi và gìn giữ vốn cổ của cha ông truyền lại, nghệ nhân Phan Tiến Hữu, Trưởng đoàn rối nước Bàn Thạch được giao nhiệm vụ trông nom kho rối cổ nằm bên thủy đình. Kho rối lên tới cả ngàn nhân vật mà ông Hữu có thể kể tên, nêu tích trò thậm chí nhớ luôn niên đại của từng nhân vật ở trong đó.

Ông cho hay, không biết chính xác tổng số con rối trong kho bởi chưa từng thống kê cụ thể, và chắc chắn không ai dám “tơ hào” gì ở đây. Theo các cụ đời trước truyền lại, cứ đến dịp lễ hội, rối ở trong kho lại được đem ra diễn ngoài thủy đình. Con nào hỏng thì sửa, con nào bị mối xông mục tới mức không sửa được, các cụ sẽ đem vào cẩn báo Thành hoàng rồi sau đó làm lễ hóa.

Cũng bởi “tính” thiêng ấy mà trong mái kho xộc xệch, cũ kỹ vẫn còn những con rối có tuổi đời hàng trăm năm. Màu sơn tuy có bạc, nhiều chi tiết đã sứt mẻ, bị bào mòn bởi thời gian song những đường nét đục, chạm vẫn vô cùng mềm mại, tinh tế…

Các con rối được đục đẽo đường nét cách điệu rồi mới gọt giũa, đánh bóng và trang trí nhiều màu sơn khác nhau nhằm tạo tính cách cho từng nhân vật.

Chia sẻ về công đoạn làm rối, nghệ nhân Phan Văn Mạch, người con của gia đình có nhiều đời lưu giữ nghệ thuật này chia sẻ, cần nhiều kỹ năng để tạo ra một con trò hoàn hảo, mang khả năng diễn đạt phong phú. Chế tác nhân vật đã khó nhưng muốn diễn được rối hay cũng phải tôi luyện, làm nhiều tay mới quen. Vì phải diễn trên mặt nước nên không được lộ sào, lộ dây...

Những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo tích truyện dân gian và phải diễn sao sống động y như thật. Khi nhạc nổi lên các nhịp của con rối phải thật khớp, không để kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau, nếu không tính hấp dẫn sẽ giảm đi rất nhiều…

roi-nuoc-3-510.jpg
Nghệ nhân Phan Tiến Hữu người được giao trông nom kho rối cổ của làng.

Nghề múa rối nước rất vất vả song theo nghệ nhân Phan Văn Mạch, một trong những lý do chính để theo đuổi nghề đến ngày hôm nay là nhờ vào tiếng cười của khán giả. Chính nhờ những người con đam mê lưu giữ vốn cổ của làng Rạch, rối nước đã vượt qua lũy tre làng, được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong nước và quốc tế như Nhật, Pháp, Thụy Điển…

Cả thôn Rạch hiện có 7 hộ gia công con rối nước. Trước nhu cầu của khách và thích ứng với đời sống hiện đại, cùng với con rối cổ truyền, các hộ cũng sáng chế mẫu mới cung cấp cho thị trường quà lưu niệm.

Anh Phan Văn Triển, 42 tuổi, chủ xưởng chế tác rối nước tại xóm Rạch cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được 200 con rối nước theo đơn đặt hàng của khách đủ diễn 18 tích trò. Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước từng bước được nâng cao do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước”.

Các nghệ nhân làng Rạch không ngừng sáng tác thêm các tích trò mới, sáng tạo tác phẩm mới, dựa trên nền tảng những câu chuyện cổ tích cho nghệ thuật rối nước có thể tiếp cận gần hơn với giới trẻ. Đây cũng là cách mà họ tin rằng sẽ giúp những chú Tễu, cô Tiên, ông Bụt… thêm sức sống trường tồn.

Theo Việt Nam Net

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kiều bào - sứ giả lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt

Kiều bào - sứ giả lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Không chỉ vậy, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài còn là một sứ giả để lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Chuyển động cùng nhạc kịch

Chuyển động cùng nhạc kịch

Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.

Bộ Văn hóa đề nghị không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém

Bộ Văn hóa đề nghị không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội; yêu cầu Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Tổ quốc

Tổ quốc

"Tổ quốc" là nhan đề bài thơ của tác giả Nguyễn Loan (thành phố Huế) được đăng tải trên báo Lào Cai cuối tuần, số 1001 ra ngày 31/8/2024. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Văn Bàn: [Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Những "địa chỉ đỏ" hút khách dịp Quốc khánh 2/9

Những "địa chỉ đỏ" hút khách dịp Quốc khánh 2/9

Những “địa chỉ đỏ” gắn liền với lịch sử và truyền thống cách mạng, như: Khu vực Quảng trường Ba Đình, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường Cách mạng Tháng tám… thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan dịp nghỉ lễ Quốc khách 2/9.

fbytzltw