
Anh Lã Thanh Ngọc là một trong những nhân viên trực ban đã làm việc nhiều năm tại ga Phố Lu, huyện Bảo Thắng. Đặc thù công việc hằng ngày lặp đi lặp lại, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối nên anh Ngọc đặt ra nguyên tắc là tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, của ngành. Anh Ngọc cho biết: "Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu ra - vào ga Phố Lu. Khi ga bên xin đường thì trực ban phải cho đường, đồng thời thông báo tới nhân viên gác ghi, gác chắn biết thời gian tàu chạy để chuẩn bị đường. Ngoài việc kiểm tra, xác nhận bằng lời nói qua hệ thống bộ đàm nội bộ, tôi còn trực tiếp tới hiện trường để “mắt thấy”, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình chạy tàu".
Những ngày cuối tháng 3/2025, Đội Tuần tra kiểm soát số 1 (tổ phụ trách huyện Bảo Thắng), Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đến ga Phố Lu và các điểm gác chắn, gác ghi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. Sau khi kiểm tra nồng độ cồn trực ban, nhân viên gác chắn, gác ghi… Thiếu tá Đoàn Việt Bằng cùng thành viên đội tuần tra đến các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đồng thời nắm bắt những bất cập phát sinh để phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương và người dân kịp thời xử lý. Thiếu tá Đoàn Việt Bằng cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông, Đội Tuần tra kiểm soát số 1 (tổ phụ trách huyện Bảo Thắng) thường xuyên phối hợp với các trường học, khu dân cư tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường sắt nói riêng. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành kiểm tra nồng độ cồn một số nhân viên đường sắt làm việc tại vị trí trực ban, gác ghi, gác chắn… Điều đáng mừng là ý thức, trách nhiệm của nhân viên này rất cao, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi không phát hiện sai phạm".

Sau khi kiểm tra nhân viên trực ban, Đội Tuần tra kiểm soát số 1 tiếp tục ra khu vực đường ngang để kiểm tra nồng độ cồn các nhân viên làm nhiệm vụ gác chắn. Tất cả thành viên trong tổ gác chắn đều vui vẻ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn và sổ ghi chép, theo dõi lịch trình chạy tàu trong ngày.
Anh Nguyễn Cao Sơn, nhân viên gác chắn tại Km 261+564, tuyến đường sắt Yên Lào thuộc địa phận thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng cho biết: Công việc gác chắn mặc dù đơn giản nhưng nếu xảy ra sai sót thì hậu quả rất khó lường, vì thế các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm, nhắc nhở chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Nội quy công tác của ngành cũng được niêm yết rất chi tiết, rõ ràng trong chòi gác chắn, ai cũng phải học thuộc và ký cam kết thực hiện. Quan trọng nhất là trước khi làm nhiệm vụ, chúng tôi phải ngủ đủ giấc; không uống rượu, bia; không xem điện thoại, làm việc riêng; luôn chú ý quan sát nơi mình làm nhiệm vụ, khi phát hiện người dân vi phạm thì phải tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời.
Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có hai tuyến đường sắt chạy qua, gồm: Tuyến Yên Viên - Lào Cai dài khoảng 34 km; tuyến Phố Lu - Pom Hán, thành phố Lào Cai dài khoảng 11 km. Toàn tuyến có 94 đường ngang, lối mở (trong đó 18 đường ngang, lối mở có cảnh giới; 76 đường ngang, lối mở chưa có cảnh giới). Trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn huyện Bảo Thắng không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và người dân trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Anh Trần Văn Khiết ở tổ dân phố Phú Long 2, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng cho biết: Gia đình tôi sinh sống gần đường sắt nên thường xuyên được lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Nhờ có kiến thức đã được tuyên truyền, tôi tiếp tục phổ biến, hướng dẫn những người tham gia giao thông khi đi qua lối mở, điểm giao cắt đảm bảo an toàn.

Tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt thường để lại hậu quả nặng nề, vì thế ngoài nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, địa phương rất cần sự tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật từ người dân. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt nói riêng trên địa bàn.