Xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân trong việc hiến đất, mở rộng tuyến đường liên xã từ thôn Chính Tiến (xã Gia Phú) đến thôn Tân Lập (xã Sơn Hải) với chiều dài 2,4 km. Ngay sau khi Nhân dân dỡ tường rào, chặt cây cối, hoa màu hiến đất làm đường, UBND xã đã vào cuộc đổ bê tông mở rộng mặt tuyến đường từ 3 m lên 5 m. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, trên tuyến đường có 7 cột điện nằm trong phạm vi mặt đường mới được đổ bê tông, nhìn rất mất mỹ quan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, trong quá trình thực hiện mở rộng đường, khi thấy vướng mắc các cột điện, xã đã báo cáo với huyện và liên hệ với Điện lực thành phố Lào Cai- đơn vị quản lý đường điện trong khu vực để có phương án di chuyển cột điện. Tuy nhiên, quá trình này kéo dài khiến xã đã đổ bê tông xong trước và đợi điện lực có phương án giải quyết sau. Đến nay, đã qua 10 tháng tuyến đường được đưa vào sử dụng những vẫn chưa thể di chuyển các cột điện nằm trong phạm vi mặt đường.
Không chỉ tuyến đường thôn Chính Tiến, theo mặt bằng đang giải phóng để mở rộng tuyến đường dài 2,2 km tại thôn Đồng Lục, xã Gia Phú cũng đang có nhiều cột điện nằm trong phạm vi mặt đường, khiến địa phương chưa thể triển khai đổ bê tông.
Tại xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng sau khi giải phóng xong toàn bộ mặt bằng và san nền mở rộng tuyến đường từ thôn Đồng Tâm đi thôn Soi Trát và thôn Cánh Địa với chiều dài 8,5 km, nhưng đến nay xã vẫn chưa thể đổ bê tông đường vì liên quan đến rất nhiều cột điện nằm trong phạm vi mặt đường cần được di chuyển.
Theo thống kê của UBND xã, trên tuyến đường này đang có 24 cột điện của điện lực và 21 cột của các nhà mạng Viettel, VNPT cần được di chuyển, bởi khi đổ bê tông thì các cột điện trên sẽ nằm trong phạm vi mặt đường được mở rộng.
Ông Bùi Quang Uyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, trước vướng mắc này, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện để làm việc với điện lực cùng tìm giải pháp di chuyển các cột điện trên. Một trong những giải pháp đã được đưa ra đó là điện lực hỗ trợ công di chuyển đường dây, còn lại xã phải giải phóng mặt bằng đặt cột, bỏ tiền mua cột điện và thực hiện đổ bê tông chôn cột. Chi phí để di chuyển nhiều cột điện là rất lớn nên đang gây khó khăn cho xã.
Năm 2023, huyện Bảo Thắng phát động phong trào mở rộng nền đường giao thông nông thôn từ 4 m – 7 m, đổ bê tông mặt đường rộng 5 m. Việc phát động đã được Nhân dân và chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt, sau 6 tháng đầu năm đã có 39 tuyến đường được mở rộng với chiều dài 65 km, trong đó có 30 tuyến được đổ bê tông dài 34 km. Nhân dân đã hiến 234.520 m2 đất, đóng góp hơn 3,7 triệu công lao động và gần 7,2 tỷ đồng tiền mặt để làm đường. Điển hình là các tuyến có chiều dài như: Đồng Tâm – Soi Trát (xã Sơn Hải) dài 8,5 km; tuyến thôn Lạng đi trung tâm xã Thái Niên dài 5,2 km; tuyến đường thôn Thái Vô – Nậm Cút (xã Xuân Quang) dài 2,9 km; tuyến thôn Khe Bá đến Tỉnh lộ 162 xã Phú Nhuận dài 3,5 km…
Trong số 39 tuyến đường đã được mở rộng trên địa bàn toàn huyện Bảo Thắng, hiện cũng đang vướng mắc cả trăm cột điện nằm trong phạm vi mặt đường giống như tuyến đường tại các xã Gia Phú và Sơn Hải. Việc vướng mắc các cột điện nằm trong phạm vi mặt đường đang gây nhiều khó khăn cho các xã trong việc đổ bê tông mở rộng đường.
Trước thực tế trên UBND huyện Bảo Thắng đã làm việc với ngành điện lực để tìm giải pháp di chuyển các cột điện, nhưng giải pháp của điện lực vẫn là hỗ trợ công di chuyển đường dây điện. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, huyện đang chỉ đạo các xã sử dụng một phần kinh phí từ tiền thu sử dụng đất tại địa phương để thực hiện di chuyển cột điện. Tuy nhiên, số lượng cột điện cần di chuyển ít thì có thể làm được, còn với số lượng nhiều sẽ rất khó khăn cho xã.
Mặt khác, lãnh đạo một số xã cho rằng, việc mở rộng các tuyến đường trên địa bàn đều sử dụng kinh phí từ nguồn thu sử dụng đất của xã. Trong khi kinh phí cho mở rộng đường còn không đủ thì kinh phí cho di chuyển cột điện là điều khó có thể làm. Thêm vào đó, các xã cũng đã huy động xã hội hóa từ Nhân dân đóng góp thêm kinh phí cho làm đường, nên việc xã hội hóa để di chuyển cột điện cũng không thực hiện được.
Trước thực tế trên, cùng với giải pháp đã được đưa ra, Bảo Thắng cũng cần có thêm giải pháp để gỡ khó về kinh phí cho các địa phương, tránh để tình trạng cột điện mọc giữa đường kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường này.