LCĐT - Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức trực tuyến Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Phan Si Păng; đại diện cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh Lào Cai.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Báo chí là diễn đàn tin cậy của Nhân dân
Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (báo in và báo điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.
Năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực quan trọng. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục. Năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 781 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Đại biểu tham luận tại hội nghị. |
Cùng với báo chí cả nước, báo chí Lào Cai luôn phát huy vai trò “đi trước”, “mở đường”, là vũ khí sắc bén, xung kích trong công tác tư tưởng. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thực hiện thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Trong năm 2021, các cơ quan báo chí tuyên truyền đậm nét các sự kiện chính trị - xã hội, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; thành quả của đất nước, địa phương trong thực hiện “mục tiêu kép”; triển khai các phương án thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19; thông tin trung thực, toàn diện đời sống xã hội; nhất là thành tựu nổi bật của Lào Cai sau 30 năm tái lập và phát triển. Dấu ấn nổi bật trong công tác báo chí, truyền thông của Lào Cai là thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ; ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để thông tin đến với người dân nhanh nhất, bao phủ, lan toả rộng nhất.
Thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong 2 năm qua, điểm nhấn của Việt Nam được ghi nhận trên trường quốc tế là lòng tin của nhân dân vào Chính phủ, các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, dù ngay thời điểm căng thẳng nhất, hệ thống y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh bị quá tải, thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt; trong đó có vai trò không thể thiếu của truyền thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. |
Nói về việc sắp xếp quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, ta đã làm được một bước, thực chất bên trong là một quá trình, không thể nóng vội.
Kết quả sau 3 năm thực hiện quy hoạch báo chí đã giảm được 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương, giảm được 31 cơ quan báo chí thuộc các địa phương. Đến nay, cả nước đã giảm được 70 cơ quan báo so với năm 2019 (có khoảng 195 cơ quan báo), tương đương giảm 36% tổng số cơ quan báo trên cả nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định quy hoạch không phải là cắt xén cơ học mà là để báo chí phát triển, quy hoạch là để tiếng nói của người dân đến với chính quyền nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội phát triển như hiện nay, để đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc không còn con đường nào khác là các cơ quan phải chủ động minh bạch thông tin một cách nhanh nhất. Nói về chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài chuyển đổi tư duy của cấp lãnh đạo thì có một điều rất quan trọng đó là dữ liệu, “dữ liệu là sống còn”. Bên cạnh đó là năng lực xử lý dữ liệu và kết nối dữ liệu. Các đơn vị cần tạo điều kiện thông thoáng trong việc kết nối dữ liệu.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong sự phát triển của đất nước năm 2021 có vai trò rất lớn của báo chí.
Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực báo chí thời gian qua để có các giải pháp khắc phục, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, thực sự là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Trong đó, cần nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò, chức năng, sứ mệnh của báo chí cách mạng. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền về thực hiện và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, báo chí tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong tuyên tuyền về phòng, chống dịch Covid-19, báo chí tiếp tục kịp thời phản ánh thông tin thời sự, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần quan tâm công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, quan tâm công tác thông tin đối ngoại...
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen tặng các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.