Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Bản Mông vang tiếng học bài

Bản Mông vang tiếng học bài

Nắng vàng mùa thu trải xuống những lớp học nơi lưng chừng núi. Ngày mới ở Séo Trung Hồ (xã Bản Hồ) thật thanh bình và đầy sức sống qua tiếng học sinh đọc bài rộn rã.

3.jpg
BẢN MÔNG.jpg

Chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút đi từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Liên (xã Bản Hồ) đến điểm trường Séo Trung Hồ Mông.

Nghe tiếng xe máy vào sân khu lớp học mầm non, thầy giáo trẻ đang dạy trên lớp ở điểm trường tiểu học nhìn xuống. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi mừng rỡ nhưng cũng không kém phần ngạc nhiên khi nhận ra người quen, đó là thầy giáo Tú. Cách đây vài năm, anh bạn đồng nghiệp gặp thầy giáo Tú khi thực hiện phóng sự ở điểm Trường Tiểu học Séo Mý Tỷ (xã Tả Van).

“Kể ra em có duyên với báo chí nhỉ. Là giáo viên vùng cao, chuyển từ điểm trường này qua điểm trường khác nhưng đều làm nhiệm vụ “cõng chữ” lên núi anh chị ạ”, thầy giáo Tú hồ hởi.

8.jpg

Sau 5 năm quay trở lại điểm trường Séo Trung Hồ Mông thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Liên, thật bất ngờ khi chúng tôi được đi trên con đường bê tông sạch đẹp, thênh thang để tới điểm trường. Cũng những ngày này, đầu năm học 2018 - 2019, khi lên đây, chúng tôi phải đánh vật với bùn đất. Năm 2018, cơn mưa kéo dài cuối tháng 8 khiến đường lên điểm trường bị sạt lở nhiều đoạn. Sau khi mưa bão đi qua, xã đã vận động người dân khắc phục bằng cách lấy tre bắc cầu tạm. Để đến điểm trường, chúng tôi phải dắt xe máy, dò dẫm qua cầu, trong lòng đầy lo ngại bởi phía trên là taluy cao ngút, phía dưới là vực sâu, tới được điểm trường mất gần cả buổi sáng.

4.jpg
5.jpg

Quay vào lớp học, giao bài tập viết cho học sinh lớp 1 và bài tập toán cho học sinh lớp 2, thầy giáo Nguyễn Anh Tú mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Nguyên, ngay từ khi còn đi học, Nguyễn Anh Tú đã có ước mơ trở thành thầy giáo. Năm 2007, Nguyễn Anh Tú thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Sau 3 năm hoàn thành khóa học, Tú nộp hồ sơ thi và trúng tuyển, được phân công về công tác tại điểm trường Séo Mý Tỷ, phụ trách lớp 1. Hơn chục năm công tác, đầu năm học 2023 - 2024, thầy giáo Tú được chuyển sang dạy tại điểm trường Séo Trung Hồ Mông, phụ trách lớp ghép 1 và 2.

6.jpg

Năm học này, điểm trường Séo Trung Hồ Mông có 2 lớp ghép tiểu học, gồm 6 học sinh lớp 1 và 11 học sinh lớp 2 do một mình thầy giáo Tú phụ trách. Học sinh 2 lớp ngồi quay lưng với nhau, 2 tấm bảng đen được kê ở 2 đầu lớp.

“Dù mới chuyển về điểm trường này 1 tháng nhưng với tôi chẳng có gì lạ lẫm. Học trò ở vùng cao hầu hết còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất lớp học vẫn thiếu thốn. Thế nhưng, các em ngoan, biết vâng lời và quý mến thầy cô giáo”, thầy giáo Tú chia sẻ.

7.jpg

Ngay dưới điểm trường tiểu học là điểm trường mầm non thuộc Trường Mầm non xã Bản Hồ, có 50 học sinh và 2 cô giáo. Điểm trường mầm non xuống cấp, những năm học trước phải học nhờ điểm trường tiểu học. Năm học này, điểm trường mầm non được Câu lạc bộ Thủ lĩnh tình nguyện toàn quốc kết nối các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ, sửa chữa và bàn giao sử dụng trước ngày khai giảng.

BẢN MÔNG.jpg
10.jpg

Tan học, thầy Tú, cô Loan, cô Pầy tiễn học sinh ra tận cổng trường. Một số phụ huynh chờ sẵn ngoài cổng trường đón con em mình. Thầy Tú đưa học sinh ở gần đi một đoạn, dặn dò các em ngày mai tới lớp đầy đủ. Trên con đường mới sạch đẹp, thênh thang, niềm vui hiện rõ trên gương mặt của thầy và trò, tiếp thêm động lực khi bước vào năm học mới.

9.jpg

Sau khi đường bị sạt lở do mưa, bão cuối năm 2018, người dân và thầy trò mất thời gian dài đi lại trên con đường nguy hiểm, khó khăn. Năm 2022, tuyến đường dài hơn 3 km đã được sửa chữa, mở rộng nền đường lên 3 m từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tháng 1/2023, tuyến đường tiếp tục được mở rộng giai đoạn 2, với chiều rộng 5 m và chuẩn bị được bàn giao trong thời gian tới.

12.jpg

Sau khi tiễn học sinh, cô giáo Loan dắt xe máy, khoác ba lô chuẩn bị về nhà. Cô Vũ Thị Loan nhà ở thành phố Lào Cai, cách điểm trường hơn 50 km, nhưng vì có con mới 4 tuổi nên mỗi ngày cô chọn đi về. Ngày nào cô Loan cũng dậy từ 5 giờ 30 phút, đeo chiếc ba lô to, cùng bạn đồng hành là chiếc xe máy tới trường. Cô Loan tâm sự: "Những ngày mưa gió, lo sợ trên đường gặp nguy hiểm, tôi ở lại trường, còn ngày nắng ráo, tôi đều đi về. Giờ đường đi thuận lợi rồi, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ là tôi đã tới điểm trường".

Trước khi chuyển về điểm trường Séo Trung Hồ Mông, tôi dạy ở điểm trường Séo Trung Hồ Dao và cũng đi qua con đường này. Ngày mưa thì gửi xe ở nhà dân, rồi đi bộ. Có ngày mất cả buổi sáng mới tới điểm trường, người lấm lem bùn đất, không nhớ nổi bao nhiêu lần bị ngã.

Cô giáo Vũ Thị Loan

Nhà của nhiều học sinh cách điểm trường từ 4 km đến 5 km. Trước kia, đường tới trường khó khăn, học sinh phải nghỉ học.

Nổ xe máy, đón Mẩy Linh, học sinh lớp 2, ông Lò Dùn Phẩu mừng rỡ: "Đưa cháu đi học 1 năm, tôi phải thay lốp xe mấy lần vì đường đi xấu quá. Bây giờ thì đường đi thuận lợi rồi, đưa các cháu đi học rất nhanh".

11.jpg

Séo Trung Hồ là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Bản Hồ, có 2 điểm trường. Để thuận lợi cho việc học tập, học sinh ở điểm trường Séo Trung Hồ Dao đã được đưa về trường chính ở bán trú. Con đường mơ ước của thầy và trò điểm trường Séo Trung Hồ Mông cũng đã thành hiện thực.

Các điểm trường ở vùng cao vẫn còn thiếu thốn, không tránh khỏi những khó khăn. Thế nhưng so với năm học trước, điều kiện đi lại đã thuận lợi hơn. Mừng hơn nữa, dự kiến thời gian tới điểm trường Séo Trung Hồ Mông sẽ được xây mới với 4 phòng học, 2 phòng ở giáo viên, với đầy đủ công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu của hơn 100 học sinh tại điểm trường.

Thầy giáo Đinh Văn Huân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Liên.

Buổi chiều ở Séo Trung Hồ Mông bắt đầu se lạnh, sương trên đỉnh Hoàng Liên sà xuống, bao phủ không gian bản Mông. Con đường uốn lượn dẫn chúng tôi dần xa những lớp học nơi lưng núi, xa tiếng cười trong trẻo, nô đùa của học sinh trên con đường thênh thang từ trường về nhà…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Sáng 12/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024.

fbytzltw