Hơi ấm tìm nhau

LCĐT - Rét! Rét kinh khủng. Ti vi luôn cập nhật băng giá mưa tuyết ở Suối Thầu, ngay nhiệt độ ở thành phố Lào Cai cũng đã xuống đến không độ C. Ở vùng núi thì khỏi nói. Người người nhà nhà cố thủ quanh bếp lửa, lấy lửa làm cứu cánh. Trâu bò không có lửa sưởi ngã hàng loạt, thịt trâu rẻ đến mức chủ nhà không muốn mang ra chợ bán nữa mà hè nhau mổ lấy thịt treo gác bếp, bếp quá tải thì đem ra ướp muối. Còn ở phố! Bắt đầu rét thì phố tưng bừng, sặc sỡ sắc màu, có bao nhiêu mốt mùa đông đưa cả ra trưng diện nhưng khi những ngọn gió lạnh buốt cứ gầm gừ, quất tơi bời trên cây, trên cỏ, luồn sâu vào da thịt thì mốt trùm lên mốt cũng không chống được rét. Lúc này trừ những người cần kíp phải ra đường hoặc vì mưu sinh bất đắc dĩ phải phơi mặt với mưa phùn gió bấc, còn thì khắp phố nhà nhà cửa đóng then cài dưới đệm trên chăn.

Rét đậm rét hại sang đến ngày thứ ba thì Năm quyết định cho cán bộ văn phòng nghỉ đến cơ quan.

Mọi người, từ lãnh đạo các phòng ban đến kế toán, thủ quỹ nhận được lệnh này mừng như phát rồ, chỉ còn thiếu ôm hôn thắm thiết. Trước khi về với ngôi nhà đầm ấm, mọi người không quên nháy mắt chúc mừng Lân - Lý có lý do để quấn lấy nhau. Trước những ánh mắt tinh quái, Lý thẹn thùng, ấp úng, còn Lân lẳng lặng vào phòng đóng cửa lại.

Lân cài cửa, định vùi sâu vào công việc, song những giọt nước lạnh buốt phủ lên bầu trời, mặt đất, hơi lạnh len lỏi, ướp ủ cả không gian bên trong, bên ngoài căn phòng khiến Lân rùng mình, run lên vì lạnh. Anh bật chiếc điều hòa hai chiều, sản phẩm của khoa học kỹ thuật làm cho căn phòng ấm áp, làm cho anh phấn chấn. Anh kéo ghế ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ nhìn ra mông lung. Bên ngoài cửa kính, gió đưa những giọt mưa ào ạt quất vào cánh cửa. Gió đang cố vặt nốt những cái lá cuối cùng trên hàng cây ngang dọc, vuông vức trên sân. Mưa gió nhấn chìm phố phường sông núi, vạn vật đang bị đày ải, song vạn vật đang cố cương lên để chống chọi để cho sự sống tiếp diễn. Lân bỗng bâng khuâng nhớ về chuyện “no cơm tấm ấm ổ rơm” những ngày mưa dầm gió bấc mà có lẽ không một nhà nào thuộc đồng bằng Bắc Bộ sống trước năm tám mươi của thế kỷ trước không nếm trải. Bây giờ khắp nước, nhà có của ăn của để cũng như nhà vẫn còn vặt mũi bỏ miệng nhưng hầu như không ai phải lo cái đói, cái rét như trước, “no cơm tấm ấm ổ rơm” đã thành quá vãng, song trong lòng anh và có lẽ lòng mỗi người nông dân đất Việt vẫn luôn là kỷ niệm ngọt ngào mỗi khi nghĩ về những ngày gian khó. Ý nghĩ này làm cho anh thấy vui vui, anh nhìn về phía dãy nhà bên kia cái sân mênh mông, nơi Lý chắc đang lo bữa tối cho hai người. Kỳ lạ, rét buốt thử thách đã khiến con người hay nghĩ về con người, thương con người hơn, anh bồi hồi nhớ tới trận say nhớ đời đã đưa hai người vượt qua lằn ranh đỏ để lần đầu đến với nhau.

Lân và Lý biết nhau như một sự sắp đặt. Ngay ngày đầu đón Lân lên làm Phó giám đốc Công ty Khoáng sản cho Long, Long đã rành mạch, rõ ràng: “Lương Phó giám đốc của ông sẽ hai nhăm triệu một tháng, ăn ở thì tùy, nếu ông ăn ở nhà tôi thì có người phục vụ chu đáo, đóng góp mỗi tháng ba triệu, ăn ngoài công ty thì có bếp ăn tập thể, tôi sẽ thu xếp cho”. Lân trả lời: “Thôi cứ để tôi ra ngoài công ty ở cho tiện ông ạ!”. Long bảo: “Cái đó tùy ông thôi, tự do muôn năm mà, tôi sẽ sắp xếp phòng cho ông, ăn uống thì bữa trưa ăn tập thể, còn hai bữa sáng, tối, trước đây trừ những hôm có khách còn chỉ có cô Lý cấp dưỡng, giờ thêm ông nữa là hai”.

 Long đưa Lân sang công ty, giới thiệu với cô Lý cấp dưỡng và nhận phòng ở. Lân thầm cảm ơn sự chu đáo của bạn, quả là hắn đã dành cho anh những điều kiện tốt nhất mà công ty đang có. Phòng ngủ của anh như phòng của khách sạn hạng sang, có phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng vệ sinh, phòng tập thể dục, thư giãn mà theo cách nói của Long là để tái tạo sức lao động. Long cấp thêm cho Lân và Lý hai trăm nghìn để bổ sung vào hai bữa sáng, tối mỗi ngày. Long bảo muốn thấy người lãnh đạo làm được việc hay không phải nhìn vào chỗ ăn chỗ ở. Ăn ở mà tạm bợ thì làm việc cũng tạm bợ, cả ngày cả đêm tâm trí chăm chắm vào cơm áo thì thời gian đâu mà nghĩ tới công to việc lớn. Lân bảo: “Ông kỳ vọng và chiều tôi quá đấy, chỉ sợ sẽ thất vọng sớm thôi”. Long lại cười, bảo: “Đầu tư cho ông tôi không sợ. Thứ nhất là ông không phải lăn tăn chuyện cơm áo gạo tiền mà tập trung vào công việc. Thứ hai là qua sự chịu chơi này ông sẽ nể tôi, vì tôi mà làm, thứ ba là lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt”.

Minh họa: Trung Hiếu
Minh họa: Trung Hiếu

Mọi việc với Lân thế là quá thuận lợi, song anh hòa nhập vào sinh hoạt ăn nghỉ của cơ quan khá gượng gạo. Bữa trưa đông đúc người ăn tập thể thì không nói làm gì, bữa tối và bữa sáng chỉ có hai người. Lý - cô cấp dưỡng kiêm vệ sinh phòng lãnh đạo cơ quan mới ngót ba mươi, mặn mà, khéo léo, rất giỏi chiều mọi người mà không hiểu sao vẫn một thân một mình. Lân - tuy vợ con mất chưa đầy năm, nhưng ở cái tuổi trẻ vừa qua già chưa tới, vâm váp, phong trần, suy nghĩ, phong cách sống dễ hòa đồng, không câu nệ. Lý biết “nam nữ thụ thụ bất thân” nên cố tránh tiếng cho mình, tránh tiếng cho Lân. Lân còn hơn thế, người vợ yêu quý ngự trị trên bàn thờ, ngự trị trong tâm hồn luôn dõi theo anh từng bước. Khốn nỗi cả cơ quan rộng lớn mênh mông, hết giờ làm việc mọi người ra về hết, còn sót lại chỉ có Lý và Lân ở tập thể. Trong khu nhà hình chữ U, nhìn sang phía mặt trời mọc là phòng làm việc và cũng là nơi ở của Lân, nhìn sang phía mặt trời lặn là nhà ở và nấu nướng của Lý. Ngày ngày, khi ông mặt trời sửa soạn leo trèo cũng là lúc hai bên lục cục bắt tay vào một ngày ra đụng vào chạm. Đêm đêm, ngọn gió không cậy được cửa vào phòng Lý thì chạy sang nô đùa với cánh cửa nhà Lân. Lý hiện diện hằng ngày, lo lắng cho anh từ bữa cơm đến chỗ ngủ. Lý đẹp, biết làm đẹp, dịu dàng, khéo léo, trách nhiệm, khát khao nửa giấu nửa khoe, không hẳn là một cô gái hoàn mỹ, nhưng ngọn lửa nổi chìm của cô khiến người khác giới chưa có tổ ấm khát khao khơi lên, nuôi dưỡng ngọn lửa tình ái và Lân đã xao lòng. Sự xao lòng ấy bắt đầu từ lần tình cờ bắt gặp Lý và Lành trò chuyện với nhau bên suối nước.

Trưa ấy, Lân đang lội ngược suối tìm phong lan thì bắt gặp Lý đang ngồi trên tảng đá bên suối như chờ đợi ai đó. Lân tò mò, anh nép vào cây vả xum xuê xòa ra giữa dòng nước. Lúc sau anh thấy từ góc rừng Lành - bạn Lý lò dò ra rồi vòng tay bịt mắt Lý, kêu lên:

- Ú òa.

Lý giật mình, gỡ tay Lành ra, mắng yêu:

- Con nỡm này, sao giờ mới ló mặt.

Lành cười:

-  Ừ, việc nhiều quá mãi mới dứt ra được. Thế nào, đi lấy phong lan chứ.

Lành ngồi bệt xuống tảng đá, chỉ vào dãy núi mờ sương:

- Thôi chẳng đi đâu nữa ngồi đây ngắm núi rừng còn hơn.

Lý nghe bạn, cả hai im lặng, ngước nhìn mãi lên ngọn núi ba mẹ con cao ngút, vẻ mặt chùng xuống.

Bỗng Lành chăm chắm nhìn Lý, khen:

- Mày vẫn còn nguyên trinh có khác, vẫn xinh tươi như ngày nào!

Lý cười:

- Sang tuổi băm rồi còn xinh với ai chứ?

Lành cười khúc khích, gí ngón tay vào trán Lý, bảo:

- Da trắng, tóc đen, mắt bồ câu, đầu chim ngói thế kia mà không xinh thì còn ai xinh.

Lý khẽ thở dài:

- Xinh mà cứ ở mãi một mình thế này rồi cũng thành củi mục mất thôi.

Lành:

- Cứ yên tâm đi, rồi thì trời cũng mở mắt, chỉ sợ lúc ấy lại coi người như rác thôi.

Lý:

- Mày ác mồm ác miệng nó vừa vừa chứ, mày với anh Hùng sống tốt chứ.

Lành:

- Tốt, nhưng cả tuần mới gặp nhau được một lần, cứ như vợ chồng ngâu ấy.

Lý:

- Ngâu được như mày cũng tốt, như tao đây này cả chục năm qua chẳng có ai để mong để nhớ cả.

Lý ngồi lặng phắc một lúc, rồi ngoảnh nhìn Lành, nói giọng khẽ và ngắt quãng:

- Số tao đúng là chẳng ra gì, nhưng nghĩ kỹ anh Lân cũng khổ, vợ con ra đi tức tưởi, bốn mấy tuổi rồi mà vẫn vò võ một thân một mình!

Lành nhặt mấy viên sỏi rồi lần lượt ném xuống dòng nước, thủng thẳng:

- Sóc rồi cũng phải có ổ, chim rồi cũng phải có tổ, rồi anh ấy cũng phải lo lấy tổ ấm cho mình thôi.

Lý:

- Tao cũng tin là thế, người có tâm có tình thế kia mà.

Lành như ngớ người ra, tinh nghịch:

- Hay là…

Lý bịt mồm Lành:

- Chẳng hay là cái gì cả, người ta danh giá sang trọng, chuyện nhà người ta chưa nguôi ngoai, xen vào làm gì, thôi vào rừng đi.

Lành cười tinh quái:

- Mới nói có thế mà đã như ong đốt đít, vậy mà cứ bảo không. Này tao bảo thật, trong cuộc đời không thể không yêu, mày yêu đi.

Lý lúng túng:

- Mày… mày…

Lành:

- Mày gì, tìm cách mà thổ lộ đi, cơ hội đến tay mà để vuột trôi là có tội với mình, với cha mẹ, tổ tiên đấy.

Lý:

- Mày nói thế cũng đúng, nhưng chẳng lẽ trâu đi tìm cọc.

Lành rên lên:

- Trời ơi, thời đại nào rồi mà còn trâu với cọc, cái gì thuận thì làm, không thuận thì thôi có gì mà trâu mới cọc, thôi, đi tìm hoa.

Hai người đã dắt nhau đi ngược suối rồi mà Lân vẫn như cu ly bám nứa, đầu óc như nắm sợi lanh mắc vào chân gà. Cuộc đời chinh chiến đã tôi rèn cho Lân thích nghi nhanh với mọi hoàn cảnh, vậy mà nhìn theo hình bóng hai người lồng ngực Lân lại đập rộn lên khắc khoải. Những suy nghĩ cứ nhảy nhót lung tung. Những giọt nắng lọt qua tán lá rơi xuống mặt suối, một ý nghĩ phản kháng cựa quậy, chèn lên đè nghiến sự suy nghĩ vẩn vơ, ngơ ngác xuống.

Sau lần đó, một buổi chiều Lân được anh Thế - Trưởng Phòng Kế hoạch của Công ty mời đến thăm nhà. Anh Thế hào hứng khoe hôm nay có cỗ thịt vịt. Anh bảo người Tày coi vịt là con vật thiêng, là sứ giả của Mường trời, là cầu nối để người Tày báo cáo với trời những việc dưới hạ giới. Xửa xưa, trong trận đại hồng thủy chìm ngập thế gian, vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) lên thiên đình dâng lễ nhà trời để cầu xin cho trần gian được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, con người khỏe mạnh, nhà nhà no ấm và được Ngọc Hoàng chấp nhận, phù hộ độ trì. Từ đó trong các dịp lễ tết, mâm cơm cúng người Tày bao giờ cũng có thịt vịt. Cũng vậy khi con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ thường mang cặp vịt béo, chai rượu ngon đến biếu bố mẹ. Theo phong tục cúng cơm mới trưa nay, con gái, con rể anh gánh vịt, rượu, gạo nếp đến rồi tự tay mổ vịt nấu xôi làm cỗ, giờ chắc xong xuôi cả rồi.

Lân thích thú nhận lời. Hai anh em về đến nhà anh Thế thì cả nhà đang tíu tít bày cỗ. Trên hai cái chiếu hoa trải dọc lòng nhà là những lá chuối tươi xanh thay mâm, trên mâm lá đã bày xôi bảy màu, thịt lợn luộc, cá nấu măng chua, mẻ chưng cá suối, nộm hoa chuối rừng, rau dớn xào, canh gà nấu trám, đặc biệt là những đĩa thịt vịt luộc béo ngậy.

Anh chị Thế dẫn Lân vào mâm, nhận lời chúc tụng của con cháu rồi hể hả nâng chén.

Ẩm thực muôn năm!

Truyền thống muôn năm!

Tình người muôn năm!

Những khẩu hiệu vang lên rộn rã trong từng miếng ngon, hớp rượu.

Cơn say giống như tấm thép trong lò đang chuyển cái nóng dần vào trong thành ra người ngợm Lân cứ rừng rực lên.

Men rượu cứ dìm dần từng mạch máu vào trong làm cho da thịt Lân tái dần, chân tay mềm lả, rã rời.

Đêm đã về khuya.

Lân đã say, say lắm, nhưng anh quyết về, cả nhà anh Thế cố giữ nhưng không cản nổi.

Lật khật, ngả nghiêng mãi Lân cũng về được đến phòng của mình, nhưng lẽ ra phải mở cửa thì anh lại co chân đạp vào cánh cửa ầm ầm.

Ở dãy nhà bên kia Lý đang nằm xem tivi nghe tiếng động vội chạy sang, thấy Lân đang say khướt cô vội chạy sang, lấy chìa khóa trong túi anh mở cửa, dìu vào phòng, đỡ xuống giường, cởi giày, tháo tất rồi chạy về bếp lấy vôi lên xoa vào gan bàn chân cho anh.

Thấy Lân vẫn mê man, cô chạy về bắc nồi cháo, ra vườn nhổ hành, hái nắm lá tía tô mang vào rửa, thái nhỏ. Cháo chín, cô đánh cháo thịt, hành, tía tô rồi mang lên đánh thức Lân, nhưng anh vẫn mê man, ly bì. Lo ngại cho sức khỏe của Lân, Lý chặc lưỡi rồi ngồi xuống chân giường canh giấc ngủ cho anh.

Lân đã tỉnh.

Tỉnh trong cơn say nên thà đừng tỉnh nữa, nhất là khi thấy ở cạnh giường Lý lo lắng đến khổ sở, song cơn say không phụ thuộc vào Lân. Đầu óc Lân quay cuồng. Ruột gan Lân cuộn lên từng chập. Tim Lân đập như ngựa lồng. Chân tay Lân bải hoải…

Cơn say làm tội khiến Lân gồng lên mà không chống đỡ nổi, đã thế Lý lại nhiệt tình chống đỡ cùng anh, Lý đã cố làm những gì có thể để nguội đi cơn say, cho đến lúc Lân mệt mỏi thiếp đi.

 Buổi sáng hôm sau Lân tỉnh dậy, cơn say vẫn còn làm anh chống chếnh như túi nước ở lưng chừng giời, song người ngợm cũng đã dễ chịu. Không gian vắng lặng cho phép tự do cùng tình thương yêu trỗi dậy làm lòng anh nôn nao, anh đưa tay vuốt ve bàn tay, mái tóc của Lý mà nàng vẫn mê man, mê man. Được sự yên lặng đồng lõa anh tiến tới ghé môi hôn nàng. Mắt nàng vẫn nhắm nghiền, nhưng môi nàng cựa quậy động viên anh tiến lên. Cơn say vuột trôi. Nghi ngại vuột trôi. Vuột trôi luôn cả những gì vướng víu trên cơ thể. Hai người không nói không rằng, cứ lẳng lặng đi vào nhau, như cái thời tiền sử. Vệt máu màu tiết chim bồ câu rịn ra làm Lân bồi hồi, ngỡ ngàng, bàng hoàng, ơn huệ. Lý mắt nhắm mắt mở. Mắt nhắm để cả nửa trái người bồng bềnh trên con thuyền buông xuôi theo dòng nước. Mắt mở để phản kháng chiếu lệ với người chiếm đoạt mình. Vết chém ngọt vào thân thể, làm cho Lý trở thành người đàn bà thực thụ ở tuổi ba mươi khiến lòng cô dâng lên tranh cãi. Một bên bật ra tiếng thở than đau xót, thế là hết, phòng tuyến chống cự bị vỡ, nước lũ tràn vào nội đô, nhà cửa hoa màu người vật ngập chìm trong lũ rồi, trắng tay rồi, ta không thuộc về ta nữa, lấy gì để câu níu, giận hờn mặc cả với đối tác. Một bên khiến cô dương dương tự đắc, đời là cái quái gì, cũng sinh ra ở trong trời đất mà kẻ sung sướng đón nhận khoái cảm từ chạm tuổi thành niên còn ta lại phải ủ sâu chôn chặt, ghìm nén mấy chục năm qua. Lân đã kéo ta vào bến đỗ sung sướng, ta đỗ lại là được cho Lân, được cho ta. Kể ra cũng ngại, cũng sợ Lân coi ta là kẻ phóng đãng, thèm khát, lừa, bẫy, nhưng đã đến thế này rồi thì càng vặt trụi đau đớn nhau càng đưa sung sướng đến cho nhau, nghĩ vậy nên Lý rộng lòng, hòa cơn đau vào cơn sóng khoái cảm nổi chìm để đón nhận tràn trề sinh lực từ Lân.

Sau đêm Lân say rượu và vượt quá giới hạn, chui sâu vào mớ bùng nhùng nhục dục hai người ngượng ngùng, áy náy, cố tránh nhau, nhưng tránh sao nổi những cuộc gặp gỡ thường ngày và ánh mắt những người lắm chuyện. Những ngày rét mướt vừa qua anh biết ơn Lý, những bữa cơm canh nóng hổi đã cho anh sự ấm áp, thấm thía tình cảm gia đình, anh nghĩ ngay bây giờ, trong rét buốt này phải làm cái gì đó để chia sẻ, đồng cảm với Lý, để tỏ ra anh không phải là người vô ơn, anh mặc áo ấm vào rồi ra khỏi phòng, xuống cầu thang, theo hành lang đi sang dãy nhà đối diện để đến với Lý.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bằng tiếng Việt và 5 ngoại ngữ, là một bản anh hùng ca về vị Đại tướng có công lao, cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt trong Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những độc giả trung thành của sách giấy

Những độc giả trung thành của sách giấy

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ 4.0, việc sách điện tử ra đời đã đáp ứng nhu cầu đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu nhanh, đơn giản cho độc giả. Tuy vậy, sách giấy vẫn có những ưu điểm riêng, giữ một lượng độc giả nhất định.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Sáng 19/4, tại Trường THCS Kim Đồng (thị xã Sa Pa), Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Giáo dục và đào tạo, Thị đoàn Sa Pa tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, với chủ đề “Sách và Khát vọng phát triển”.

Non cao Lào Cai hướng về nguồn cội

Non cao Lào Cai hướng về nguồn cội

Những ngày tháng 3 âm lịch, mặc dù là người may mắn được hòa vào dòng người hành hương về đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ) để dâng nén nhang tri ân hoặc người không thể trở về thì đều chung niềm tự hào được là “con Lạc, cháu Hồng”.

Kết nối sợi dây văn hóa

Kết nối sợi dây văn hóa

Những câu chuyện ở khắp các thôn, bản từ vùng thấp đến vùng cao là minh chứng cho thấy phụ nữ Lào Cai đang tiếp tục kết nối sợi dây văn hóa ngàn đời, viết tiếp trang mới của câu chuyện văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Thiêng liêng nguồn cội ''con Rồng, cháu Tiên''

Thiêng liêng nguồn cội ''con Rồng, cháu Tiên''

Trở về cội nguồn, nơi Đất Tổ linh thiêng các Vua Hùng đóng đô, dựng nước, với sợi chỉ đỏ kết nối bền chặt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy để đoàn kết một lòng, dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đậm đà hương vị xứ Mường

Đậm đà hương vị xứ Mường

Bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên là một trong 2 di sản vừa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Trong chuyến công tác tìm hiểu tư liệu lịch sử phục vụ cho ký sự hướng về Điện Biên, nhóm phóng viên của Báo Lào Cai đã có dịp tới tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tại hợp tác xã Hoa Ban Trắng, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.

fb yt zl tw