Ước mơ của Chú

LCĐT - Không chỉ xây dựng, phát triển thương hiệu bản thân, mở rộng kênh bán hàng, tiêu thụ nông sản cho người dân, cô gái người dân tộc Mông Ma Thị Chú ở vùng cao huyện Mường Khương còn “đau đáu” ước mơ giúp đỡ 1.000 phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự chủ về kinh tế.

Ma Thị Chú sinh năm 1991 trong một gia đình nghèo khó ở thôn Tả Lủ, xã Tả Ngài Chồ. Đói nghèo, những trận đòn roi và sự gia trưởng của người bố là nỗi ám ảnh khiến Ma Thị Chú quyết tâm phải thay đổi và vươn lên trong cuộc sống.

Ước mơ của Chú ảnh 1
Ước mơ của Ma Thị Chú.

Trên mạng xã hội, Ma Thị Chú khá nổi tiếng với kênh facebook hơn 141 nghìn người theo dõi và hoạt động livestream (phát trực tiếp) bán hàng, quảng bá nông sản, văn hóa vùng cao đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Chị hiện là Giám đốc của 1 Hợp tác xã (HTX) và Phó Giám đốc của 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản ở huyện Mường Khương. Ít ai biết, để có thành công như hiện nay, chị đã trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là tuổi thơ rất cơ cực.

Ma Thị Chú kể: Ngày bé, gia đình tôi nghèo lắm, khi các gia đình khác có cơm ăn thì gia đình tôi vẫn dùng mèn mén (món ăn được làm từ bột ngô tẻ) để làm bữa chính. Tôi luôn bị chúng bạn cười chê vì không có cơm ăn. Có lần, bố tôi đi cày thuê được trả công mấy bát gạo. Chị em tôi cứ mang những bát gạo đó ra sảy đi, sảy lại để “ngầm khoe” với bạn bè là nhà tôi có gạo ăn.

Khi ấy, nơi gia đình Chú sống không có điện, mẹ hay đau ốm, bố thì thường xuyên rượu chè và đánh đập vợ con. Sau khi chị gái bị tai nạn đứt 3 ngón tay do băm cỏ ngựa, Chú trở thành lao động chính của gia đình khi mới 7 tuổi. Hằng ngày phải dậy sớm cho gà, cho ngựa ăn và nấu cơm cho các thành viên trong gia đình ăn xong mới được đi học. Hết thời gian học ở trường, Chú cũng phải lên nương làm cỏ ngô, thu hoạch ngô, trồng lúa.

“Ngoài ám ảnh bởi mỗi lần đi làm ruộng, nương bị lá ngô, lúa cứa vào da thịt, tôi còn sợ cái nghèo vì sự coi thường của người khác đối với gia đình mình. Vì nhà tôi nghèo nên có lần mẹ tôi ốm nặng, muốn nhờ người có xe máy trong làng đưa đi bệnh viện cũng không ai giúp. Cũng vì khó khăn, khi học hết lớp 5, bố tôi bắt tôi phải nghỉ học. Sau đó, nhờ sự khuyên can của nhiều người nên bố tôi mới cho tôi đi học tiếp”, Ma Thị Chú tâm sự.

Ước mơ của Chú ảnh 2
Ma Thị Chú (giữa ảnh) thường xuyên livestream bán nông sản vùng cao Mường Khương.

Bước ngoặt khiến Ma Thị Chú theo đuổi đam mê kinh doanh sau này đó là khi đang học THCS, sức khỏe của mẹ ổn định nên đã đi lấy hàng về để bán ở chợ phiên giúp cuộc sống gia đình khá giả hơn. Nhờ đó, gia đình cũng được mọi người tôn trọng; người bố cũng thay tính, đổi nết, không còn rượu chè, đánh đập vợ con mà biết quan tâm, chăm sóc gia đình. Chú ước: “Sau này chỉ cần làm được bằng một nửa mẹ mình đã là điều hạnh phúc lắm rồi”.

Đến khi học THPT, mỗi dịp cuối tuần, Chú lại xin theo mẹ rong ruổi khắp các chợ phiên để bán hàng, tìm hiểu về kinh doanh. Càng theo mẹ đi chợ bán hàng nhiều, Chú càng thấy hứng thú với lĩnh vực kinh doanh. Sau đó, chị xây dựng gia đình, hoàn thành chương trình học trung cấp y rồi rẽ sang ngang kinh doanh.

Ban đầu, chị kinh doanh những sản phẩm thổ cẩm do gia đình chồng sản xuất, việc kinh doanh không mấy thuận lợi vì thị trường ngày càng bão hòa, sản phẩm thổ cẩm truyền thống kén khách, bị cạnh tranh bởi các loại quần áo may sẵn. Ma Thị Chú chuyển sang làm nông nghiệp và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp bản địa. Bén duyên với nông nghiệp, Ma Thị Chú đã góp vốn, thuê đất, tham gia quản lý, điều hành 2 HTX sản xuất nông nghiệp tại huyện Mường Khương. Sau đó, chị cũng tự thành lập và điều hành một Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản ngay tại quê hương Tả Ngài Chồ.

Trong sản xuất, kinh doanh, các HTX cũng gặp phải không ít khó khăn do kinh nghiệm thị trường chưa nhiều, giá cả nông sản bấp bênh, nông sản được mùa, mất giá, thương lái ép giá và đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 khiến HTX gặp nhiều thách thức. Trong khó khăn, chị đã học cách bán hàng trên mạng xã hội, tận dụng sự “phủ sóng” của facebook, tổ chức các buổi livestream để giới thiệu, bán nông sản vùng cao Mường Khương đi khắp mọi miền Tổ quốc.

“Để có thể bán hàng trên mạng, tôi phải đi học các khóa học phát triển bản thân, kỹ năng giao tiếp, bán hàng, thuyết phục khách hàng, maketing và đặc biệt là học cách sử dụng thành thạo máy tính, internet… Điều quan trọng nhất khi bán hàng qua mạng đó là phải tạo dựng được uy tín để khách hàng quay trở lại với mình”, Ma Thị Chú chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, kênh facebook hơn 141 nghìn người theo dõi của Ma Thị Chú hoạt động khá hiệu quả. Mỗi lần livestream bán hàng, kênh thu hút hàng nghìn lượt người ghé xem và mua hàng. Mùa nào thức ấy, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Mường Khương như quýt, tương ớt, chè, lê, mận… được chị dành nhiều thời gian quảng bá và bán. Có những livestream của chị thu hút khoảng 5 nghìn người cùng xem một thời điểm. Vụ lê vừa qua ghi dấu mốc kỷ lục khi chị bán được hơn 1 tấn lê trong 1 giờ livestream. Qua kênh bán hàng của Chú, các đặc sản của vùng cao Mường Khương lần lượt đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là các tỉnh miền Trung, miền Nam…

Thành công với bán hàng qua mạng xã hội, giúp Ma Thị Chú nhận ra rằng, khi nổi tiếng và được nhiều người biết đến thì có thể bán bất cứ sản phẩm nào. Tuy nhiên, chị vẫn chọn nông sản đặc hữu của huyện Mường Khương để giúp các HTX hoạt động hiệu quả và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển bản thân, đưa nông sản vươn xa đi các thị trường ngoài tỉnh, Ma Thị Chú còn từng bước giúp đỡ nhiều phụ nữ vùng cao có thêm thu nhập, tiến tới tự chủ về kinh tế. Hiện, có khoảng 10 chị em người dân tộc thiểu số được Ma Thị Chú tạo việc làm ổn định với thu nhập 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn hàng chục thành viên các hợp tác xã và lao động thời vụ cũng có thu nhập từ việc kinh doanh của chị. Theo Ma Thị Chú, vấn đề tạo việc làm, mang đến nguồn thu nhập ổn định chỉ là nền tảng để chị em tiến xa hơn.

“Có nhiều chị em tìm đến mong muốn được làm việc cùng và nhờ tôi chia sẻ về công việc này, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp để kinh doanh. Trước mắt, tôi sẽ tập trung đào tạo, phát triển con người, truyền cảm hứng, dẫn dắt… nhất là các chị em trẻ, dễ tiếp cận với công nghệ thông tin và internet làm quen với kinh doanh. Tôi không mong muốn chị em đi làm thuê cho mình mãi mà hướng tới đào tạo những phụ nữ có thể tự chủ, tự kinh doanh và phát triển bản thân và tôi sẽ hỗ trợ họ bằng tất cả khả năng của mình. Mơ ước của tôi là có thể giúp đỡ 1.000 phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự chủ về kinh tế”, Ma Thị Chú tâm sự.

Dù đã có những thành công nhất định trong việc kinh doanh, quảng bá nông sản quê hương Mường Khương và xây dựng thương hiệu cá nhân nhưng ước mơ của Ma Thị Chú còn lớn lao hơn thế. Đó là giúp đỡ những phụ nữ dân tộc thiểu số tự chủ được về kinh tế để họ có thể nâng cao và khẳng định vị thế của mình.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát động Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024

Phát động Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024

Giải thưởng nhằm tôn vinh đội ngũ phóng viên, nhà báo, thông tin viên trên cả nước thúc đẩy nâng cao hiệu quả và sự lan tỏa kết quả triển khai Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Hơn 400 suất cháo dành tặng người bệnh

Hơn 400 suất cháo dành tặng người bệnh

Ngày 22/4, Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kết nối với Chi hội Happy Women Leader Network Lào Cai, Nhà hàng Hồng Long phối hợp tổ chức chương trình từ thiện dành cho người bệnh.

Ngày Trái Đất 22/4: Hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ hành tinh

Ngày Trái Đất 22/4: Hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ hành tinh

Ngày Trái Đất được Liên hợp quốc phát động vào ngày 22/4 hằng năm nhằm vận động mọi người nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường trên Trái Đất. Đồng thời, đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới. Chủ đề của Ngày Trái Đất năm 2024 là “Hành tinh và Nhựa”.

Cấp thí điểm phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ ngày 22/4

Cấp thí điểm phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ ngày 22/4

Người dân có thể lựa chọn cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID, qua email hoặc phiếu lý lịch tư pháp bản giấy được trả qua đường bưu điện về địa chỉ được yêu cầu mà không mất thời gian, công sức phải đến, chờ đợi ở những cơ quan chức năng cấp lý lịch tư pháp như trước.

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Từ “đốm lửa nhỏ”, thầy cô Trường Mầm non Nấm Lư (xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) đã mời các nghệ nhân đến truyền dạy, thổi bùng “ngọn lửa” yêu thích dân ca Nùng Dín, để những mầm non tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Gần 200 học sinh thi lý thuyết, thực hành điều khiển xe gắn máy

Gần 200 học sinh thi lý thuyết, thực hành điều khiển xe gắn máy

Sáng 21/4, tại Trường Cao đẳng Lào Cai đã diễn ra nội dung thi lý thuyết, thực hành để cấp chứng chỉ điều khiển xe gắn máy cho học sinh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình thí điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông.

fb yt zl tw