Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: "Miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột"

LCĐT  - Không cần bằng cấp, cũng không cần kỹ năng, chỉ cần người lao động đến làm việc tại Campuchia sẽ nhận được mức lương từ 800 USD đến 1.000 USD – đó là những lời quảng cáo hấp dẫn mà các đối tượng lừa đảo đăng trên các trang mạng xã hội để dụ dỗ người lao động. Tuy nhiên, sự thật đây là những “miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột” mà nạn nhân sẽ phải chấp nhận sự đánh đổi cả tiền bạc, thậm chí là mạng sống của mình để có thể trở về.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: "Miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột" ảnh 1

Những tưởng sẽ có được công việc với mức lương cao để sau khi trở về có thể giúp gia đình ổn định cuộc sống, nhưng thực tế, thứ chào đón người lao động ở Campuchia lại là những trận đòn roi và khoản tiền chuộc lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn 100 triệu đồng.

Hơn 1 tháng nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình em H.T.V (18 tuổi, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn) luôn ảm đạm, buồn bã. V vừa được gia đình chuộc về từ Campuchia với số tiền 73 triệu đồng và để có số tiền đó, bố mẹ của V đã phải thế chấp cả căn nhà nhỏ này. Thấy người lạ vào nhà, V đứng dậy chào, nhưng khuôn mặt vẫn lộ rõ vẻ ngại ngùng. Do có hẹn từ trước, nên sau một lúc, cuộc nói chuyện giữa chúng tôi bắt đầu cởi mở hơn. V kể có quen một nhóm bạn tại Lạng Sơn, họ hứa hẹn giới thiệu cho em một công việc ổn định, nên em quyết định đi theo. Cùng đi với em có 3 người Lào Cai và 1 người Thanh Hóa. Họ cho em xem hình ảnh nơi làm việc, nói về mức lương người lao động được nhận mỗi tháng để tạo lòng tin. Khi tới Cửa khẩu Tho Mo (Long An) thì đã có 2 xe máy chờ sẵn đưa các em đến “miền đất hứa”. Đi được một lúc, các em được cho xuống khu vực hoang vắng, rồi tiếp tục đi bộ khoảng 45 phút trong rừng mới ra đường nhựa. Lúc này, có xe ô tô đợi sẵn để đưa V và mọi người tới công ty.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: "Miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột" ảnh 2Gọi là công ty, nhưng ở đây tất cả đều bị giam lỏng trong các căn phòng với hàng chục máy tính, làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Ngay khi đặt chân đến nước bạn, V đã được cho học việc ngay. “Việc làm của em bên đó là gì?”, tôi hỏi. Không chút suy nghĩ, V trả lời ngay: “Việc của chúng em là lừa đảo người khác”. Cụ thể là nhân viên sẽ được công ty cấp cho một tài khoản facebook và zalo ảo để dụ dỗ người Việt Nam khác tham gia vào các trang web chơi cờ bạc. Sau 5 ngày làm việc, phía công ty yêu cầu V phải chuyển tới nơi khác, cách xa đó hơn 1.000 km để làm công việc khác. V không đồng ý và quyết định đóng tiền phạt để được về Việt Nam. “Ngày em gọi điện về, mẹ khóc nhiều lắm vì nhà em vốn không có điều kiện, để có đủ tiền chuộc em về, bố mẹ phải cầm cố căn nhà. Em rất ân hận vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của mình” – V buồn bã nói.

Anh P.T.D (33 tuổi, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) là một trong những nạn nhân may mắn được trở về sau khi bị lừa sang Campuchia lao động. Trước đó, anh D từng kinh doanh hàng hóa Trung Quốc tại Lào Cai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh D bị mất việc làm. Anh đã tìm việc làm trên mạng xã hội và được 2 người bạn đã quen biết từ trước giới thiệu làm việc tại Campuchia với mức lương 25 triệu đồng/tháng và tăng dần theo năng lực, đặc biệt là không mất bất cứ chi phí nào. Anh D kể lại với chúng tôi trong tiếng thở dài: Do tin tưởng là bạn bè chơi cùng nhau đã lâu, nên khi được giới thiệu tôi đã không mảy may nghi ngờ. Sau khi nhận lời, tôi được hướng dẫn đi xe khách xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) để di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tới Long An và sang Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An). Khi tới huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, tôi được một người dẫn đường đưa đi. “Đoàn chúng tôi gồm 6 người, tất cả đều là người Việt Nam, chúng tôi phải đi bộ luồn lách trong những con đường mòn, vượt núi, băng rừng từ 7 giờ tối hôm trước đến 11 giờ 30 phút ngày hôm sau mới đến được nơi làm việc .Vừa mệt, vừa sợ, nhưng “đâm lao phải theo lao” - anh D rùng mình kể lại.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: "Miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột" ảnh 3Tới nơi, anh D cùng nhóm người bị “nhốt” vào một căn phòng cùng khoảng 30 người khác. Công việc cho người bị lừa sang đây là ngồi làm việc trên máy tính để lừa đảo tiền của người Việt Nam qua các link cá độ đã được tạo sẵn. “Hằng ngày, họ cho chúng tôi một danh sách gồm 500 số điện thoại và yêu cầu chúng tôi phải lừa được 5 người/ngày, nếu không hoàn thành mức này sẽ phải chịu hình phạt 50 USD và 2 gậy với mỗi chỉ tiêu không đạt được. Tất nhiên, anh D hay bất cứ ai đều phải chịu những trận đòn roi như vậy. Biết mình đã bị bọn lừa đảo lừa bán sang Campuchia làm chuyện phi pháp, nên chỉ sau 5 ngày làm việc, anh D đã quyết định xin nghỉ. Công ty yêu cầu anh phải đền bù tổng số tiền 90 triệu đồng chi phí ăn ở và các thủ tục giấy tờ, cộng với cả chi phí đi lại, anh D đã mất khoảng 120 triệu đồng cho chuyến đi chưa đầy 1 tuần. “Ngay sau khi chúng nhận được tiền của gia đình tôi gửi sang, tôi bị đưa ra khỏi cổng tòa nhà và tự tìm cách về Việt Nam. May mắn tôi gặp được một người tốt tại đây và trở về an toàn. Tôi hy vọng không ai cả tin như chúng tôi để rồi nhận lại cay đắng” – anh D nhắn nhủ.

Tháng 3/2022, qua một quảng cáo “Tuyển dụng lao động tại Campuchia, chỉ với yêu cầu thành thạo máy tính văn phòng”, lương 1.000 USD/tháng nếu chăm chỉ làm việc, L.Đ (xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà) cảm thấy công việc phù hợp với khả năng của mình nên quyết định đăng ký. Cùng với Đ còn có 4 người khác cũng là người Lào Cai, độ tuổi từ 19 - 25. Theo hướng dẫn của người môi giới, Đ và 4 người đi xe khách xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình di chuyển sẽ có người đưa đón và làm thủ tục hộ chiếu. Tới Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm của Đ được một tài xế lái ô tô 16 chỗ chở đến Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau khi làm thủ tục qua Cửa khẩu Mộc Bài, Đ cùng nhóm lao động Việt Nam được đưa lên ô tô chở về một tòa nhà cao chừng 7 tầng mang tên King Grow và bị thu lại hộ chiếu. Đ được đưa lên tầng 4, ở cùng 8 người Việt Nam khác, bên ngoài cửa thường trực có người canh gác.Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: "Miếng pho mát béo bở trong chiếc bẫy chuột" ảnh 4

Tại đây, Đ và mọi người đều được chúng lập cho một tài khoản zalo và bắt đầu học “công thức lừa đảo”, đóng vai là nữ giới, dụ người Việt tại nhiều nơi đóng tiền vào tài khoản để tham gia vào các sàn tiền ảo. Cảm thấy công việc không phù hợp, trái với lương tâm, Đ quyết định chấm dứt hợp đồng và phải đền số tiền 1.400 USD cho công ty. Sau đó, Đ chuyển sang làm cho một công ty khác về kinh doanh sản phẩm hàng gia dụng. Đ bảo: Hiện tại, em đang là người may mắn nhất trong số 5 người cùng sang đây. 4 người còn lại đã bị công ty “bán” sang một công ty khác tại Phnôm Pênh, không biết rồi tương lai sẽ đi về đâu. Chúng em không thể liên lạc được với nhau vì tất cả mọi thông tin sau khi sang tới Campuchia đều bị quản lý, đến gọi điện về cho gia đình cũng rất khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các trường hợp người Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” đều đi theo đường mòn, lối mở, tức là xuất cảnh trái phép. Ngoài tiền ăn ở, nạn nhân còn phải trả tiền quản lý rồi trả góp số tiền mà các đối tượng đã chi ra trước đó. Cả V, D và Đ đều cho biết trong quá trình làm việc, không ai được chụp ảnh nơi ở hay nơi làm việc, nếu bị phát hiện sẽ bị thu máy điện thoại, bị đánh đập. Cũng không ít lần, họ tận mắt chứng kiến những người không hoàn thành công việc bị các đối tượng treo lên tường rồi dùng roi điện chích để cảnh cáo những lao động khác. Thậm chí có người không chịu được áp lực, bị đánh đập quá nhiều, gia đình lại không có khả năng chuộc về đã tự kết liễu đời mình.

Bài 2: Bóc trần chiêu thức và lời cảnh báo

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw