Những ngày cuối tháng 10, nhịp làm việc của cán bộ, công chức xã Tà Chải vẫn diễn ra bình thường. Tại bộ phận một cửa, các công chức tư pháp, địa chính bận rộn hơn khi người dân đến tìm hiểu và thực hiện các thủ tục chỉnh lý hồ sơ sau khi xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà sáp nhập. Công chức tư pháp xã cho biết những ngày qua lượng hồ sơ thủ tục liên quan đến cho tặng, sang nhượng đất đai tăng 60 - 70% so với bình thường.
Từ khi có chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, các cán bộ, công chức đã chuẩn bị sẵn tâm thế, có những người sẽ tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại, có người chuyển sang vị trí mới, địa bàn mới nhưng tất cả đều xác định đây là việc chung.
Để thuận lợi cho việc sáp nhập, sớm bắt nhịp công việc ngay sau khi sáp nhập, từ đầu năm đến nay, các cán bộ tập trung hoàn thiện hồ sơ công việc, nhiệm vụ được giao theo hướng làm đến đâu gọn đến đó, bộ phận tài chính rà soát, kiểm kê tài sản. Cán bộ xã tranh thủ ngày nghỉ hoàn thiện công việc cho người dân. Bộ phận văn phòng chuẩn bị tài liệu tổ chức kỳ họp thứ Nhất, HĐND thị trấn Bắc Hà mới.
Sắp xếp đội ngũ công chức thì dễ nhưng các trưởng đoàn thể có phần khó hơn. Một số người có chuyên môn bố trí chuyển sang công chức, một số chuyển sang xã khác, những cán bộ nhiều tuổi, công tác lâu năm đi các xã ở xa cũng rất vất vả.
Đồng chí Lục Văn Chương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Chải cho biết: Là cán bộ, đảng viên, khi có chủ trương sáp nhập, mở rộng thị trấn tạo đà phát triển trong tương lai thì hoàn toàn đồng tình, đồng thời sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới mà Đảng phân công. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn ở thị trấn Bắc Hà mới được tiếp tục gắn bó với công việc mà mình đã làm suốt những năm qua.
Các chế độ, chính sách với người dân sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi xã Tà Chải đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều tiêu chí đã tiệm cận thị trấn Bắc Hà. Với người dân ở các thôn, bản đang thụ hưởng chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thôn đặc biệt khó khăn, chế độ cho hộ nghèo, cận nghèo sẽ được kéo dài thời gian đến hết chương trình.
Qua nắm tình hình, Nhân dân lo lắng thủ tục đất đai, giấy tờ, dữ liệu dân cư sẽ có sự thay đổi, xáo trộn. Ngoài ra, khi thay đổi phương thức quản lý từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị sẽ có tác động nhất định. Các quy định hạn mức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, tái định cư ở khu vực đô thị cũng sẽ khác so với nông thôn. Anh Vàng Văn Kiểu, thôn Na Kim, xã Tà Chải kỳ vọng sau sáp nhập, các thôn ở Tà Chải sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư hạ tầng, đường sá, nước sạch, cơ sở vật trường học tốt hơn.
Anh Kiểu cho biết: Thôn Na Kim giáp ranh thị trấn Bắc Hà, trên địa bàn đang thực hiện nhiều công trình, dự án phải thu hồi đất, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư còn bất cập nhất định. Vì vậy, tôi mong muốn sau khi sáp nhập, chính quyền địa phương sẽ có chỉ đạo thống nhất để người dân mất đất ở, đất sản xuất có cuộc sống tốt hơn. Anh Kiểu cũng lo lắng khi trên địa bàn xã Tà Chải có nhiều quy hoạch chậm triển khai dẫn đến nhiều vướng mắc khi người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách khẩu cho con không có đất làm nhà… hy vọng thời gian tới sẽ được tháo gỡ kịp thời.
Đồng chí Trịnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Hà cho hay, hiện tại thị trấn có 18 cán bộ, công chức; chủ tịch UBND thị trấn vừa chuyển công tác. Khi có chủ trương sáp nhập, thị trấn đã tổ chức triển khai theo các văn bản hướng dẫn, xây dựng đề án, niêm yết phương án xin ý kiến nhân dân, cử tri, tổ chức kỳ họp HĐND thông qua tờ trình đề nghị sáp nhập gửi lên cơ quan chuyên môn của huyện để huyện triển khai các bước tiếp theo.
Thị trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân qua hệ thống truyền thanh, các buổi họp tổ dân phố để tạo đồng thuận. Qua nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức tại cơ quan, qua các hội nghị, cơ bản cán bộ, công chức, cấp phó không chuyên trách đều có tinh thần thoải mái, ủng hộ chủ trương chung. Nhân dân đón nhận hồ hởi, phấn khởi, không có sự xáo trộn. Một số cán bộ có băn khoăn ở các vị trí đứng đầu các đoàn thể, tuy nhiên đều xác định phân công đi đâu cũng đồng thuận.
Sau khi sáp nhập, địa giới hành chính rộng, đội ngũ cán bộ mới. Đối với khu vực thị trấn Bắc Hà cũ đã ổn định; địa bàn xã Tà Chải nhiều công trình dự, án liên quan đang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, có độ vênh nhất định về chính sách, tập quán, lối sống. Thị trấn xây dựng đô thị văn minh, xã Tà Chải xây dựng nông thôn mới, để dung hòa, san lấp khoảng cách cần có giải pháp cụ thể. Thực hiện sáp nhập, lĩnh vực nông nghiệp của thị trấn Bắc Hà mới tăng lên khoảng 45%, thu nhập bình quân của người dân giảm; người dân phải thực hiện cải chính hồ sơ; đội ngũ cán bộ đang quen phương pháp quản lý nông thôn về quản lý đô thị… đặt ra những khó khăn nhất định đối với bộ máy chính quyền thị trấn Bắc Hà mới.
Theo đồng chí Trần Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nội vụ, huyện đã chuẩn bị công tác nhân sự cho việc sáp nhập từ sớm. Cụ thể, từ ngày 31/3/2024, tại thị trấn Bắc Hà và xã Tà Chải, những vị trí thiếu không tuyển dụng, bổ nhiệm thêm, tránh gây thêm áp lực sắp xếp cán bộ, công chức khi sáp nhập. Huyện cũng đã làm việc với đội ngũ cán bộ, công chức của hai địa phương và tiến hành rà soát, bố trí sắp xếp theo nguyện vọng. Đối với số dôi dư sẽ căn cứ tình hình chung từng năm trong toàn huyện để giải quyết đảm bảo đúng quy định và quyền lợi của cán bộ, công chức. Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì huyện chủ động phân bổ số lượng cán bộ, công chức ở từng xã phù hợp với đặc thù và khối lượng công việc. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà cũng không phải là vấn đề khó khăn. Hiện nay, cơ bản đã sắp xếp xong, sẵn sàng bắt nhịp công việc từ ngày 1/11.
Giai đoạn trước, huyện Bắc Hà sáp nhập 4 xã thành 2 xã, đó là xã Tả Củ Tỷ và xã Bản Già sáp nhập thành xã Tả Củ Tỷ; xã Lầu Thí Ngài sáp nhập với xã Lùng Phình thành xã Lùng Phình. Quá trình sáp nhập, huyện cũng đã tính toán rất kỹ từ lấy tên xã mới sao cho phù hợp, sắp xếp đội ngũ cán bộ hai xã sao cho cân đối, hài hòa giữa các khu vực, dân tộc… Huyện cũng đã rút ra những bài học, kinh nghiệm cụ thể để chỉ đạo và thực hiện việc sáp nhập xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà lần này. Với quan điểm phải được chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để làm sao việc sáp nhập là phép cộng về địa giới hành chính nhưng phải tạo ra phép nhân về động lực và nguồn lực cho sự phát triển của thị trấn Bắc Hà mới.
Kinh nghiệm của Bắc Hà là công khai, minh bạch khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. “Khi làm việc với cán bộ, công chức xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà, chúng tôi đã công khai các thứ tự ưu tiên, như ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ đã ở xã khó khăn luân chuyển về… được ưu tiên ở lại công tác. Nếu điều động đi xã khác cũng không quá xa trung tâm huyện so với xã đang công tác”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Duy Hòa nêu quan điểm trong bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức.
Việc sáp nhập chắc chắn không tránh khỏi những xáo trộn ban đầu cả trong hệ thống chính trị và đời sống người dân. Với sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện, những xáo trộn sẽ sớm được giải quyết, quan trọng hơn việc sáp nhập kỳ vọng mở ra một chương phát triển mới cho thị trấn Bắc Hà, đó là nguyện vọng lớn nhất của người dân nơi đây.