Ngay sau lũ, gia đình ông Nguyên đã nhanh chóng tái sản xuất, gieo trồng các loại hoa màu đạt khoảng 50% diện tích cũ. Rồi lũ chồng lên lũ, đợt lũ kế tiếp lại “quét trắng” công sức của hai vợ chồng. Không chịu bó tay buông xuôi, ông Nguyên cùng vợ con tiếp tục thu dọn rác, cày xới đất để gieo trồng vụ rau mới. Không phụ công người chăm chỉ, hơn hai tháng sau lũ tàn phá, vườn rau các loại của ông Nguyên đã lên xanh.
Tôi đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua phân bón cải tạo đất bị nhiễm chua và phòng ngừa các loại nấm mốc, bệnh hại cây trồng; ước tính chi phí sản xuất vụ này tăng gấp 4 lần so với các vụ trước. Nhờ đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật, rau màu các loại đều lên nhanh, xanh tốt, hy vọng sẽ cho thu hoạch khá.
Còn tại thôn Làng Kim, đợt mưa lũ tàn khốc xảy ra hồi tháng 9 đã làm 3 ao nuôi cá của gia đình bà Lù Thị Hương bị ngập, vỡ bờ làm gần 20 tấn cá lăng, quất, trắm mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau lũ, nhiều bờ ao bị vỡ, hệ thống dẫn nước bị hỏng nặng, gia đình chưa đủ nguồn lực để khôi phục lại toàn bộ diện tích ao mà chỉ tái thả cá tại 1 ao nhỏ, 2 ao còn lại tận dụng lòng ao để gieo trồng một số loại rau ngắn ngày như cải ngọt, cải canh, rau muống… để có nguồn thu nhanh trước mắt.
Mình làm nông nghiệp, thiên tai là điều không mong muốn, nhưng khi đã xảy ra thì phải nhanh chóng đứng dậy, bắt tay vào khôi phục sản xuất để bù đắp lại những gì đã mất.
Bình thường, vào thời điểm tháng 10 này, nông dân xã Quang Kim đã thu hoạch những lứa rau vụ đông đầu tiên. Tuy nhiên mưa lũ đã khiến gần 100 ha lúa, hoa màu tại cánh đồng các thôn An Thành, Làng Kim, Đồng Quang… bị ngập sâu trong nước. Sau mưa lũ lần 1, các bãi trồng màu và nhiều chân ruộng cao đã được người dân khẩn trương làm đất, khôi phục để trồng rau, nhiều vườn rau đã lên xanh thì lại bị đợt mưa lũ thứ 2 phá hủy hoàn toàn.
Giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể xã Quang Kim đã triển khai ngay nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động các lực lượng tại chỗ, thành lập các tổ trực tiếp xuống từng thôn, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông cùng người dân làm đất, gieo trồng cây vụ đông, như ngô, đậu đỗ, rau các loại. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà hảo tâm và các đơn vị trợ giúp cây giống, phân bón cho nông dân tái sản xuất.
Vụ đông năm nay xã Quang Kim phấn đấu gieo trồng khoảng 70 ha (tăng 50% diện tích so với năm 2023) để bù lại sản lượng lương thực, rau màu bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Trên các cánh đồng sau lũ ở Đồng Quang, Làng Kim, Tả Trang, Làng Toòng, Làng San màu xanh đã bao phủ đất trống bạc và màu xám của bùn rác, đá sỏi.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, huyện Bát Xát có gần 1.000 ha lúa, ngô, hoa màu, cây lâu năm bị thiệt hại; trong đó nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất lúa bị vùi lấp, sạt lở không thể khôi phục, phải bỏ trống, do vậy, tác động xấu đến thu nhập, sinh kế của người dân, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để khắc phục việc này, huyện Bát Xát đã xây dựng phương án hỗ trợ sản xuất, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, phổ biến đến tận xã, thôn bản, cụm dân cư.
Đối với diện tích đất ruộng bị cát, đất vùi lấp có thể khắc phục được, UBND các xã, thị trấn huy động người dân và nguồn lực tại chỗ san gạt lại mặt bằng, hót cát, dọn đá sỏi, bồi tạo lớp đất màu để canh tác cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh. Đối với các ruộng lúa không thể khắc phục thì chuyển đổi sang cây trồng cạn, cây cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong vụ đông.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bằng mục tiêu cụ thể, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo huyện và ngành chức năng cùng với nỗ lực cao của người nông dân các địa phương, nhất là vùng bị thiên tai nặng, tin rằng Bát Xát sẽ khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đời sống, việc làm và thu nhập sau bão lũ, mang theo hy vọng có nguồn thu nhập khá cho người dân trên đồng đất Bát Xát.