Tầng thứ nhất là BHXH cơ bản dành cho người trong độ tuổi lao động. Đây là tầng BHXH gốc, đã hình thành nhiều năm, hiện cả nước có hơn gần 17,5 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ gần 38% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó, gần 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện).
Với người tham gia BHXH bắt buộc, hiện, đối tượng này được hưởng các chế độ cơ bản như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp khi ở độ tuổi lao động; hưởng chế độ hưu trí, BHYT khi có đủ số năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu. Người tham gia BHXH qua đời, thì thân nhân hưởng chế độ tử tuất.
Số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo các quy định hiện hành là 20 năm, theo đề xuất mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là 15 năm.
Khi đến tuổi và đủ điều kiện hưởng lương hưu, người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH đều đặn hằng tháng; đồng thời, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian hưởng chế độ hưu trí. Tại thời điểm này, cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH hằng tháng.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, hiện có 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Số năm đóng BHXH tối thiểu và độ tuổi hưởng chính sách hưu trí tương tự như BHXH bắt buộc, nhưng mức đóng BHXH khác nhau. Đáng chú ý, theo đề xuất mới, người tham gia BHXH tự nguyện được bổ sung chế độ thai sản cùng một số chính sách khác liên quan.
Tiếp theo tầng BHXH cơ bản là tầng dành cho người lao động đủ tuổi về hưu (quy định hiện hành là 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ) đến dưới 75 tuổi, nhưng chưa đủ năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu (theo đề xuất mới là đủ 15 năm). Tầng an sinh này là đề xuất hoàn toàn mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo các quy định hiện hành, người tham gia BHXH đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa có đủ số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, thì họ có hai lựa chọn, đó là rút BHXH một lần, hoặc đóng bảo BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Trên thực tế, quy định này bộc lộ nhiều hạn chế.
Để “vá” lỗ hổng an sinh, dự thảo Luật BHXH đề xuất một lựa chọn mới, đó là người đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH dưới số năm tối thiểu (đề xuất mới là 15 năm), mà không chọn rút hết BHXH một lần, thì họ được trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ 75 tuổi.
Tiền hưởng trợ cấp do Quỹ BHXH chi trả, căn cứ trên thời gian tham gia và tiền lương tính đóng hằng tháng. Mức trợ cấp sẽ không thấp hơn mức trợ cấp hưu trí xã hội (theo đề xuất là 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng/người/tháng). Nhóm này cũng được hưởng BHYT từ ngân sách nhà nước.
Chính sách trợ cấp chỉ áp dụng cho lao động còn bảo lưu thời gian tham gia trong hệ thống BHXH, tức người từng rút một lần nhưng sau đó quay lại đóng tiếp, hoặc bảo lưu 50% (nếu Quốc hội thông qua phương án 2 về hưởng BHXH một lần) mà chưa đủ 15 năm tham gia, không áp dụng với người đã rút toàn bộ BHXH.
Tầng an sinh tiếp theo là tầng hưu trí xã hội, dành cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH và các khoản trợ cấp khác. Tầng này gần giống với chế độ trợ cấp cho người cao tuổi hiện nay, nhưng độ tuổi thụ hưởng giảm 5 tuổi. Mức trợ cấp cũng được đề xuất tăng, từ 360.000 đồng/người/tháng hiện nay, lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, ba tầng của hệ thống BHXH được thiết kế linh hoạt, thông suốt, hướng tới mục tiêu cao nhất tạo điều kiện cho đại đa số người cao tuổi đều có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác. Theo lộ trình, dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.