Australia ban hành chỉ thị mới về xét thị thực cho sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 19/12, Bộ trưởng Nội vụ Australia Tony Burke đã ban hành “Chỉ thị 111”, theo đó việc xét duyệt thị thực cho sinh viên quốc tế sẽ bị chậm lại và giới hạn số lượng sinh viên quốc tế mà một trường đại học ở Australia có thể tuyển sinh.

Sinh viên tại trường Đại học Sydney, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sinh viên tại trường Đại học Sydney, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

“Chỉ thị 111” sẽ thay thế “Chỉ thị 107” mà Bộ Nội vụ Australia đưa ra cách đây 1 năm. Theo “Chỉ thị 107”, các quan chức làm việc trong lĩnh vực nhập cư cần ưu tiên xét duyệt hồ sơ của những sinh viên xin học tại những trường đại học lớn và danh tiếng hơn.

Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cho rằng chỉ thị mới sẽ công bằng hơn đối với các trường đại học khu vực và ngoại thành cũng như các trường đào tạo dạy nghề (TAFE). Ông nhấn mạnh không chỉ các trường đại học lớn trong thành phố mới được hưởng lợi từ giáo dục quốc tế, các trường TAFE, các trường đại học khu vực và ngoại thành cũng nên được hưởng lợi, và cách tiếp cận mới này sẽ giúp chính phủ thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ Australia nhằm hạn chế số lượng sinh viên quốc tế đã gây chia rẽ khu vực giáo dục đại học của quốc gia châu Đại Dương này. Bà Vicki Thomson - Giám đốc điều hành của Nhóm 8 trường đại học danh tiếng nhất của Australia (Nhóm G8) - cho rằng Chính phủ đã thay thế "một chỉ thị sai sót này bằng một chỉ thị sai sót khác". Theo bà, những thay đổi liên tục trong chính sách tuyển sinh quốc tế có nguy cơ khiến cho các sinh viên quốc hoang mang và nhầm lẫn, đồng thời khiến Australia thành một điểm đến giáo dục “quá khắc nghiệt và không thân thiện”.

Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức khác trong lĩnh vực đại học của Australia lại hoan nghênh việc bãi bỏ “Chỉ thị 107”, gọi đó là chiến thắng cho tất cả người dân Australia. Ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành của Nhóm các trường đại học Australia gồm 39 trường đại học công lập, cho rằng “Chỉ thị 107” đã khiến nền kinh tế Australia mất hàng tỷ đô la, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho các trường đại học, đặc biệt là những trường ở khu vực ngoại ô và vùng xa xôi.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Alec Webb - Giám đốc điều hành của Mạng lưới các trường đại học khu vực - cho rằng “Chỉ thị 111” là tin tuyệt vời đối với các trường đại học khu vực và nhỏ hơn. Đây cũng là tin tuyệt vời đối với sinh viên quốc tế bởi giờ đây họ sẽ không phải băn khoăn khi quyết định nên nộp đơn xin vào các trường đại học mà họ yêu thích, hay nộp đơn xin vào các trường đại học chỉ lấy thị thực.

Phó Hiệu trưởng Đại học La Trobe, ông Theo Farrell, cũng cho rằng “Chỉ thị 111” là "cách tiếp cận hợp lý", giải quyết được tác động không đồng đều đối với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Pháp có Thủ tướng mới

Pháp có Thủ tướng mới

Ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm Thủ tướng, giao cho chính trị gia trung dung kỳ cựu này nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai trong 6 tháng qua. Ông Bayrou, 73 tuổi, là Thủ tướng thứ ba được bổ nhiệm trong chính quyền của Tổng thống Macron.

Mối đe dọa khô hạn khắp hành tinh

Mối đe dọa khô hạn khắp hành tinh

Báo cáo do Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) mới công bố cho thấy, tình trạng khô hạn ở nhiều nơi trên thế giới trở nên đáng lo ngại hơn trong những thập kỷ gần đây.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận toàn cầu về đại dịch được nối lại vào tháng 12/2024, nhằm sớm xây dựng nền tảng vững chắc để thế giới ứng phó hiệu quả các thách thức y tế trong tương lai. Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm cơ hội này để khơi thông thế bế tắc, giúp các nước “cán đích” trước thời hạn chót là tháng 5/2025.

fb yt zl tw