Gần đây, nhiều cán bộ, công chức băn khoăn về việc xin nghỉ việc sau thời điểm 1/7 có được hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định 178 (về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy - Nghị định 67 sửa đổi) hay không.
4 trường hợp cần tập trung giải quyết chính sách
Thực tế cho thấy, sau khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động, nhiều cán bộ, công viên chức phải đi làm xa, vất vả. Một số trường hợp không sắp xếp được cuộc sống gia đình nên có nguyện vọng xin nghỉ việc và mong được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 178, Nghị định 67.

Nghị định số 178 và 67 không quy định rõ trường hợp cán bộ, công chức nghỉ việc sau ngày 1/7 thì có được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo 2 nghị định này hay không.
Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp cụ thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức triển khai thực hiện và UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, theo văn bản số 4177 hướng dẫn về thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định 178 và 67, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương cần tập trung giải quyết chính sách đối với 4 đối tượng:
Thứ nhất là những cán bộ, công chức, viên chức còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu.
Thứ hai, những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, những người không đáp ứng về trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm.
Thứ tư, trường hợp sức khỏe không đảm bảo nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Bộ Nội vụ cũng lưu ý các địa phương quan tâm giữ chân những cán bộ, công chức, viên chức còn từ 10 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu, có năng lực công tác, có nhiều thành tích, cống hiến cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy có thể thấy, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ việc sau 1/7 thuộc trong 4 trường hợp nêu trên sẽ được ưu tiên giải quyết chính sách.
Với những trường hợp còn lại, đặc biệt là với những cán bộ, công chức còn từ 10 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu, có năng lực, có thành tích sẽ được các địa phương quan tâm giữ chân trong bộ máy hành chính.
Bộ Nội vụ đang tổng hợp, rà soát và xây dựng phương án đề xuất điều chỉnh lương cơ sở, phụ cấp chức vụ, phụ cấp chức danh lãnh đạo cấp xã, cũng như phụ cấp khu vực, đặc thù sau sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại bộ máy địa phương.
Bộ Nội vụ sẽ đề xuất phương án tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, đặc biệt ở cấp cơ sở và hoàn thành việc này trong tháng 7, để trình các cấp có thẩm quyền trong tháng 8 tới.
Đây cũng là một trong những mối quan tâm của Nhà nước nhằm giữ chân và động viên cán bộ, công chức ở lại làm việc trong bộ máy mới với yêu cầu và áp lực cao hơn trước đây để đáp ứng tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho cán bộ, công chức
Bên cạnh đó, thực tế cũng có nhiều trường hợp cán bộ, công chức thắc mắc đã đủ điều kiện hưởng chế độ theo Nghị định 178, Nghị định 67 và gửi đơn xin nghỉ trước thời điểm 1/7 nhưng chưa được xét duyệt.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được đơn xin nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì phải giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng quy định, bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị định 178 và 67.
Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn kinh phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để kịp thời chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp đã có quyết định nghỉ việc.
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nếu cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ việc ngay thì cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính của cấp tỉnh, cấp xã và đề án tổng thể về sắp xếp các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp để xem xét, quyết định cho họ nghỉ việc ngay và được hưởng chính sách, chế độ theo Nghị định số 178 và 67.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có nguyện vọng nghỉ việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trước khi giải thể cùng cấp ủy, chính quyền cùng cấp xem xét, quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, không phải thực hiện đánh giá chất lượng đội ngũ.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/6, có 57.158 người thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 43.207 người đã nghỉ việc, bao gồm nghỉ hưu và thôi việc.
Về kinh phí hỗ trợ, đã có 25.611 người nhận tiền trợ cấp, chiếm 62,39% tổng số người nghỉ việc (không bao gồm lực lượng công an và quân đội), với tổng số tiền chi trả là 26.947 tỷ đồng.