4 chính sách mới nổi bật có hiệu lực áp dụng ngay sau Tết Nguyên đán

Quy định về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay, bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện… là những chính sách mới được áp dụng ngay sau Tết Nguyên đán.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đối tượng áp dụng:

+ Cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống (*).

+ Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

+ Nghị định này không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân quy định tại (*) nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân quy định tại (*) nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị định 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.

Từ ngày 15/02/2024, thực hiện chính sách mới về việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.

Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều điểm mới như:

- Học sinh trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp.

Trước đây, để tốt nghiệp trung học cơ sở thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).

- Bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở.

Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực.

- Tổ chức xét tốt nghiệp trung học cơ sở 2 lần/năm.

Theo Điều 3 Thông tư 31, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9.

Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.

Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024 - 2025.

Quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay

Thông tư 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ 15/02/2024.

Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

- Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)… (giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định).

- Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.

Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:

- Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) và giấy tờ liên quan cư trú tại Việt Nam (thị thực, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ đi lại doanh nhân APEC) trừ trường hợp được miễn thị thực; chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định mới).

Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận;

- Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách; giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.

- Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.

Hành khách chưa đủ 14 tuổi khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; trích lục giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; trường hợp dưới 02 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định mới); thông tin nhân thân của hành khách trong Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đi cùng chuyến bay.

- Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận).

- Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận.

- Thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu (hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ).

Hành khách là phạm nhân, bị can, người đang bị di lý, dẫn độ, trục xuất khi làm thủ tục đi tàu bay chỉ cần có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải; hành khách là người áp giải xuất trình các loại giấy tờ theo quy định.

Giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay quy định nêu trên phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Là bản chính và còn giá trị sử dụng; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo quy định;

- Đối với giấy khai sinh, trích lục hộ tịch; trích lục giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; giấy chứng sinh phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo quy định;

- Không chấp nhận giấy tờ không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của pháp luật, trừ giấy khai sinh, giấy chứng sinh, trích lục hộ tịch; trích lục khai sinh; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải.

- Nếu là tài khoản định danh điện tử mức độ 2, giấy khai sinh điện tử của hành khách thì phải đảm bảo khi xuất trình, tài khoản đang hoạt động bình thường.

Theo Thông tư 42/2023/TT-BGTVT, từ 15/02/2024 bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay.

Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện

Từ ngày 15/02/2024, Thông tư 41/2023/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.

- Xếp hàng không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, không quá tải trọng trục cho phép theo quy định; đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên: Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2m; Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5m; Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8m.

Xe chuyên dùng và xe chở container: Chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35m.

Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

- Hàng hóa xếp trên phương tiện phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều.

- Các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.

Theo Gia đình & Xã hội

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

fbytzltw