Chậm xóa lò gạch thủ công

LCĐT - Trước quyết tâm của chính quyền và cộng đồng dân cư, cùng với sự đồng thuận của các chủ lò, hy vọng hết năm 2016, Lào Cai sẽ không còn các lò gạch thủ công hoạt động.

Trong cái rét căm căm giữa đông, đúng ra ở tuổi 60, ông Hoàng Trọng Tấn, thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú (Bảo Thắng) không phải chân trần dẫm than để đốt gạch, nhưng vì mưu sinh, nên ông vẫn gắng sức làm. Làm nghề sản xuất gạch thủ công quá nửa đời người, ông Tấn đã trải hết những vui buồn của nghề. Ông Tấn chia sẻ: “Thật ra, nghề làm gạch thủ công rất vất vả và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, đến sản xuất của gia đình và người dân trong thôn, xóm. Nguyên nhân khiến gia đình tôi chưa dừng làm gạch thủ công bởi trước mắt chưa tìm được công việc khác, trong khi vẫn cần có tiền nuôi con ăn học. Mặc dù vậy, nếu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn chuyển sang chăn nuôi thì tôi cũng sẽ chuyển. Nhưng chắc phải làm cố cho hết chỗ củi, than đã mua. Tuần này, tôi sẽ vào lò đốt 6 vạn viên gạch để bán cho khách hàng đã đặt trước…”.

Giống như gia đình ông Tấn, ở thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú hiện có gần chục hộ sản xuất gạch đất sét nung thủ công. Trao đổi với phóng viên, các hộ đều đưa ra lý do để “biện hộ” cho việc vẫn cố duy trì nghề sản xuất gạch không nung, đó là: Đã đầu tư số tiền rất lớn để mua máy móc và xây dựng vỏ lò (khoảng 80 - 100 triệu đồng/lò), thuê đất, sân bãi để tập kết đất sét, than để đốt gạch… Bên cạnh đó, mỗi lò hiện đang tạo việc làm cho hàng chục lao động trong xã. Vậy nên, nếu dừng ngay việc sản xuất gạch đất sét nung thủ công sẽ gây rất nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm.

Nhiều lò gạch thủ công tại xã Gia Phú vẫn hoạt động.
Nhiều lò gạch thủ công tại xã Gia Phú vẫn hoạt động.

Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng trên địa bàn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, không chỉ ở Bảo Thắng, mà cả ở huyện Bảo Yên, Văn Bàn, việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, mới có huyện Bát Xát, Si Ma Cai đã thực hiện xóa bỏ xong lò gạch thủ công, còn 2 địa phương vẫn tồn tại lò gạch thủ công là huyện Bảo Thắng (28 lò) và huyện Bảo Yên (8 lò).

Bảo Yên là địa phương hiện vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công, đứng thứ hai trong tỉnh; hầu hết các lò này đều nằm ven thị trấn Phố Ràng. Nhiều năm qua, các lò gạch này đã gây hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Mặc dù huyện Bảo Yên đã có những giải pháp xóa lò gạch thủ công, nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Thậm chí, trong năm 2015, không hiểu vì lý do gì, địa phương này còn đồng ý cho phép một doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò vòng tại khu 8, thị trấn Phố Ràng với công suất 5 triệu viên/ năm (?!).

Lý giải về vấn đề này, ông Trịnh Công Khương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Yên, cho rằng: Việc tồn tại nhiều lò gạch thủ công là do huyện Bảo Yên nằm cách xa các nhà máy sản xuất gạch tuynel và gạch không nung của tỉnh, nên người dân và các doanh nghiệp phải mua gạch với giá cao. Bên cạnh đó, nhiều lò gạch thủ công do chủ lò phải vay vốn đầu tư xây dựng, nên việc dừng ngay sản xuất sẽ không đủ khả năng hoàn trả vốn. Đặc biệt, số lao động làm việc tại các lò gạch thủ công chưa tìm được việc làm phù hợp, nên các chủ lò gạch thủ công đành phải duy trì các lò hoạt động.

Trung bình một lần nung khoảng từ 5 - 7 vạn viên, mỗi lò gạch thủ công phải đốt 15  - 16 m3 than và củi. Thời gian nung kéo dài từ 3 - 4 ngày, nên lượng khói độc hại thải ra môi trường rất lớn, làm ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân sống xung quanh. Bên cạnh đó, các lò gạch thủ công cũng chiếm một phần rất lớn đất nông nghiệp, gây lãng phí đất sản xuất.

Vì sao, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn, lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định: Việc chậm xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều nguyên nhân liên quan đến vốn hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch, việc giải quyết bài toán lao động sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công… Song, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng chưa thật quyết liệt.

Được biết, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành tiếp kế hoạch thực hiện “lộ trình” giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng trên địa bàn tỉnh; trong đó nêu rõ sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trong năm 2016 tại huyện Bảo Thắng và huyện Bảo Yên…

Qua thực tế tại các địa phương cho thấy, để xóa lò gạch thủ công đúng lộ trình, nhận dược sự đồng thuận của nhân dân, cần có những giải pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản làm nguyên liệu, bảo vệ môi trường đối với các cơ sở còn sản xuất gạch bằng lò thủ công; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cấp phép đầu tư sản xuất gạch không nung cho các cơ sở có lò gạch thủ công khi có nhu cầu chuyển đổi; có phương án chuyển đổi việc làm cho người lao động địa phương đang làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công…

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hiện nay hàng trăm hộ dân quanh khu vực các lò gạch thủ công đang ngày đêm phải sống trong môi trường ô nhiễm do khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe và sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chủ trì họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng

Thủ tướng chủ trì họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng

Chiều tối 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Bộ Công Thương kiểm tra sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Lào Cai

Bộ Công Thương kiểm tra sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Lào Cai

Ngày 14/5, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Lào Cai. Tham gia còn có đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

[Infographic] Chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu

[Infographic] Chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu

Ngày 17/4/2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất - nhập khẩu năm 2024. Chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho vay ngắn hạn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

fb yt zl tw