Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng cách trung tâm xã hơn 2 km, là thôn nằm ở vị trí cao nhất xã, giáp với chân núi Gia Lan. Từ đây nhìn lên, những hôm trời trong xanh có thể thấy đỉnh núi Gia Lan hùng vĩ hiện lên sừng sững.
Dưới chân núi Gia Lan có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi xòe tán rộng, cạnh đó là tảng đá lớn được khắc dòng chữ vàng “Di tích lịch sử văn hóa Khu du kích Gia Lan Văn Bàn”. Gần đó là tấm bia khắc tên 35 chiến sĩ trong Đội du kích Gia Lan - Văn Bàn.
Hôm nay, tại khu di tích lịch sử này, một lần nữa tôi được nghe câu chuyện xúc động về tinh thần bất khuất của các chiến sĩ Đội du kích Gia Lan chiến đấu chống thực dân Pháp bảo vệ quê hương cách đây hơn 70 năm.
Ông Phan Đức Nhung, 70 tuổi, 45 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên tại Bản Noỏng dưới chân núi Gia Lan là người hiểu rõ lịch sử địa phương và đội du kích.
Ông Nhung bảo, vùng đất Khánh Yên Thượng thời thực dân phong kiến thuộc châu Văn Bàn, tỉnh Yên Bái, bị thực dân Pháp đô hộ từ năm 1886. Tháng 12/1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2 và sau gần 1 năm, chúng tái chiếm hoàn toàn Văn Bàn. Thực dân Pháp xây dựng hệ thống đồn bốt khắp vùng, trong đó lấy đồn Coóc thuộc xã Khánh Yên Thượng làm sở chỉ huy.
Phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng lan rộng, Huyện ủy Văn Bàn thành lập ngày 27/9/1947 đã chọn núi Gia Lan làm căn cứ du kích, bởi nơi đây có địa hình hiểm trở, dãy Gia Lan trải dài bao bọc nhiều xã của huyện. Từ tháng 3 đến tháng 6/1948, tổ công tác hậu địch của Huyện ủy Văn Bàn do đồng chí Nguyễn Chí làm tổ trưởng đã động viên nhiều thanh niên yêu nước tại địa phương tham gia đội du kích, riêng Đội du kích Gia Lan do Huyện ủy Văn Bàn trực tiếp chỉ đạo.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Khánh Yên Thượng ghi rõ: Một số du kích tiêu biểu được Huyện ủy Văn Bàn chọn để thành lập Đội du kích “Trung Kiên”, trong đó có đồng chí Dương Tùng Thọ, Hứa Kim Thìn là người Bản Noỏng. Đến năm 1949, đồng chí Dương Tùng Thọ là quần chúng ưu tú đầu tiên của xã Khánh Yên Thượng được kết nạp Đảng, sau đó là các đồng chí Hoàng Cắm, Phan Văn Sở.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Văn Bàn, nòng cốt là các cán bộ, đảng viên, phong trào du kích trong vùng địch tạm chiếm phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1947 đến năm 1950, lực lượng du kích Gia Lan phối hợp với các đội võ trang thi đua giết giặc, lập công, góp phần giải phóng huyện Văn Bàn và giải phóng tỉnh Lào Cai vào tháng 11 năm 1950.
Nhìn lên đỉnh núi Gia Lan hùng vĩ, ông Nhung bảo, giờ đây, cán bộ, đảng viên năm xưa, các chiến sĩ trong Đội du kích Gia Lan cũng như Đội du kích “Trung Kiên” của xã đều không còn nữa, nhưng tên tuổi và những chiến công trong chiến đấu bảo vệ quê hương của thế hệ trước luôn sống mãi trong Nhân dân.
Khu du kích Gia Lan đã trở thành biểu tượng của ý chí cách mạng kiên trung, tinh thần yêu nước, sự kiên cường, bất khuất của những người con trên mảnh đất Văn Bàn nói riêng và của cả tỉnh Lào Cai, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
Đã 77 năm đã trôi qua kể từ khi Đảng bộ huyện Văn Bàn được thành lập, vùng đất Khánh Yên Thượng dưới chân núi Gia Lan hôm nay một nhịp sống mới đang sinh sôi, đời sống Nhân dân ngày càng no ấm.
Tôi dạo quanh thôn Văn Tiến là nơi đặt Di tích lịch sử Khu du kích Gia Lan Văn Bàn, nhìn đâu cũng mướt một màu xanh của vườn cây xanh tốt, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, nơi đây cũng là vựa măng bói đặc sản lớn nhất tỉnh.
Trong ngôi nhà sàn mái cọ, ông Phan Văn Chế bảo thế hệ trước đã hi sinh xương máu bảo vệ quê hương, thế hệ sau phải cố gắng lao động, sản xuất xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Năm 2023, gia đình ông Phan Văn Chế cung cấp cho thị trường 20 tấn măng bói và khoảng 6.000 cây giống, thu về hơn 200 triệu đồng.
Cùng với gia đình ông Chế còn có khoảng 20 hộ khác cũng có thu nhập khá từ trồng măng bói như các ông: Phan Văn Thước, Phan Văn Tiến, Hoàng Xuân Loan, Phan Văn Đoàn… Thôn Văn Tiến hiện nay có 168 hộ, chỉ còn 7 hộ nghèo.
Ông Phan Trọng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng kể rằng: Tại thôn Bản Noỏng có thế mạnh là trồng cây vụ đông, Yên Thành là thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, vùng đất sơn thủy hữu tình dưới chân núi Gia Lan giờ đây cũng là nơi xây dựng các cơ quan hành chính của huyện Văn Bàn.
Năm 2023, xã Khánh Yên Thượng vận động được 113 hộ tự nguyện dịch rào, hiến đất mở rộng mặt đường với tổng số gần 4.400 m2 đất; hơn 800 m2 tường rào; gần 100 m2 cổng sắt, mái tôn; di chuyển hàng trăm cây ăn quả các loại; huy động hơn 400 ngày công lao động, trị giá hơn 500 triệu đồng. Về kinh tế, xã giảm 48 hộ diện nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 4,3%...
Trong không khí của mùa xuân mới, tại Di tích Khu du kích Gia Lan Văn Bàn, ông Phan Đức Nhung kể câu chuyện lịch sử cho học sinh Trường THCS Khánh Yên Thượng nghe, để các cháu thêm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông.
Ông Nhung phấn khởi trước đổi thay của quê hương cách mạng nơi mình sinh sống, cảm hứng đọc lại mấy câu thơ ông sáng tác khi xã “về đích” nông thôn mới từ năm 2017: Mặt trận Tổ quốc bản Pi/Điển hình măng bói đã ghi tên vàng/Bản Chiêu quyết giữ rừng vàng/ Mời anh cán bộ đến làng em chơi/Sân bay điện tỏa sáng ngời/Tưng bừng ngày hội khắp nơi tìm về/Yên Xuân một chốn đôi quê/Tin vui thắng lợi gửi về quê hương/Noong Dờn viết tiếp bài ca/Diện tích một giống nhân ba xứ đồng/Yên Thành quyết giữ thành công/Vệ sinh đường sá giao thông an toàn/Hôm nay lịch sử sang trang/Nông thôn đổi mới huy hoàng mai sau.
Không riêng ông Nhung, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Lào Cai nói chung đều phấn khởi, tự hào trước đổi thay của những vùng quê cách mạng, trước mùa xuân mới tươi đẹp nơi biên cương Tổ quốc hôm nay.
Trình bày: Hoàng Thu