
1 tuần, 3 ca nguy kịch
Trong vòng một tuần, Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận liên tiếp ba bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Điểm chung đáng chú ý: tất cả đều có tiền sử lạm dụng rượu kéo dài và đã được chẩn đoán xơ gan trước đó. Diễn biến bệnh ở cả ba trường hợp đều phức tạp, đa cơ quan bị tổn thương, tiên lượng sống dè dặt – bất chấp các nỗ lực điều trị tích cực.
ThS.BS Hà Việt Huy (Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đánh giá, cả 3 trường hợp đều rơi vào trạng thái “sốc chồng sốc” – tức đồng thời có nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, suy gan và rối loạn huyết động, khiến quá trình điều trị vô cùng khó khăn. Trong đó, nguyên nhân gốc rễ đều xuất phát từ việc lạm dụng rượu trong thời gian dài, dẫn đến xơ gan nặng, suy giảm toàn diện các chức năng gan như giải độc, miễn dịch, chống viêm và đông máu.
Mặc dù các biểu hiện cấp tính thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối, nhưng thực chất xơ gan là quá trình tiến triển mạn tính, kéo dài trong nhiều năm. Gan có khả năng bù trừ rất tốt, do đó ở giai đoạn sớm – ngay cả khi gan đã bắt đầu tổn thương – người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Đây cũng là lý do khiến nhiều người tiếp tục uống rượu dù đã có chẩn đoán gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn hoặc thậm chí là xơ gan giai đoạn đầu.
Căn bệnh tiến triển âm thầm
Trong nhiều năm qua, xơ gan vẫn được xếp vào nhóm bệnh lý mạn tính có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt khi đã chuyển sang giai đoạn mất bù. Theo TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một khi gan đã bị xơ hóa tới mức làm giảm nghiêm trọng chức năng lọc độc, tổng hợp và điều hòa miễn dịch, thì mọi nỗ lực điều trị đều chỉ mang tính hỗ trợ. Một thực tế đáng tiếc, bệnh càng tiến triển chậm bao nhiêu, thì người bệnh lại càng dễ chủ quan bấy nhiêu.
Xơ gan do rượu là một dạng tổn thương gan hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, trong thực tế lâm sàng, không hiếm trường hợp người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu kể cả sau khi đã được chẩn đoán xơ gan hoặc viêm gan mạn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: thói quen kéo dài, áp lực tâm lý – xã hội, sự thiếu nhận thức về mức độ tổn thương gan cũng như sự thiếu vắng các biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu của bệnh. Chính sự kết hợp giữa yếu tố âm thầm về mặt triệu chứng và tính chủ quan trong hành vi đã khiến việc phòng bệnh trở nên khó khăn hơn nhiều so với điều kiện y tế hiện có.
Theo chuyên gia, một số giải pháp hoàn toàn có thể được áp dụng để kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển xơ gan, đặc biệt trong nhóm người có yếu tố nguy cơ cao. Trước hết, việc dừng hoàn toàn rượu bia là yêu cầu bắt buộc đối với người đã từng tổn thương gan – dù chỉ ở mức độ nhẹ.
Bên cạnh đó, với nhóm người từng mắc viêm gan B hoặc C, hoặc có tiền sử gia đình có người bị xơ gan, việc tầm soát định kỳ bằng xét nghiệm chức năng gan, siêu âm đàn hồi mô gan, hoặc đo men gan định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm phát hiện sớm tổn thương trước khi có biểu hiện lâm sàng. Những trường hợp có yếu tố nguy cơ đặc biệt – như béo phì, hội chứng chuyển hóa, rối loạn mỡ máu – cũng cần được đưa vào diện theo dõi chủ động.
Trên phạm vi cộng đồng, thách thức đặt ra là thay đổi nhận thức lâu dài về hành vi uống rượu. Rượu vẫn thường được coi là một phần của giao tiếp xã hội, văn hóa tập thể, thậm chí là “thói quen đàn ông” trong nhiều môi trường lao động. Điều này khiến việc can thiệp không thể dừng lại ở các khuyến cáo sức khỏe cá nhân. Mô hình lồng ghép khám sàng lọc gan tại tuyến y tế cơ sở, kết hợp tư vấn cai rượu và dinh dưỡng cũng cần được thúc đẩy, thay vì chỉ can thiệp ở giai đoạn muộn tại các bệnh viện tuyến cuối.
Xơ gan không phải là căn bệnh của riêng gan, mà là một quá trình suy kiệt toàn thân, tác động đến mọi chức năng sinh tồn. Điều đáng tiếc là phần lớn bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi không còn khả năng hồi phục. Trong bối cảnh hệ thống y tế ngày càng chú trọng dự phòng, việc đặt xơ gan – đặc biệt là xơ gan do rượu – vào diện ưu tiên phòng ngừa sớm là điều cần thiết, để không phải tiếp tục chứng kiến những trường hợp nguy kịch đáng ra có thể tránh được.