
Trước xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nỗ lực xây dựng “hệ sinh thái” bảo hiểm xã hội 4.0.
Trước đây, chị Đặng Thúy Hiền - công nhân làm việc tại Nhà máy may thêu xuất khẩu tại Lào Cai (thành phố Lào Cai) không có thời gian tìm hiểu và tiếp cận với các thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi được tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID, chị Hiền đã vào ứng dụng để tìm hiểu thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chị Hiền chia sẻ: Từ khi sử dụng VssID, tôi dễ dàng theo dõi được các thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; chế độ hưởng một lần về ốm đau, thai sản; sổ khám - chữa bệnh, lịch sử khám - chữa bệnh…
Cùng với triển khai ứng dụng VssID, Bảo hiểm xã hội Lào Cai đã triển khai khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Theo đó, người bệnh chỉ cần xuất trình căn cước để làm thủ tục khám - chữa bệnh, không cần xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế, giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.

Nhà ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát) nên mỗi khi có dịp ra thành phố Lào Cai hoặc vào trung tâm huyện, bà Nguyễn Thị Đoan thường tranh thủ đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, do tuổi cao, hay làm thất lạc giấy tờ nên tấm thẻ bảo hiểm y tế luôn được bà Đoan cất giữ trong tủ. Do đó, không ít lần bà Đoan rơi vào tình cảnh bất tiện khi đi kiểm tra sức khỏe nhưng quên không mang thẻ bảo hiểm y tế. “Giờ đây, tôi chỉ cần mang thẻ căn cước là có thể vào khám bệnh tại các đơn vị y tế, rất thuận tiện” - bà Đoan cho biết.

Có thể thấy, việc chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho người thụ hưởng. Từ việc triển khai ứng dụng VssID, bảo hiểm xã hội số giúp người dân đi khám - chữa bệnh mà không cần mang thẻ bảo hiểm y tế giấy. Đến hết năm 2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cài đặt VssID cho trên 160.450 người tham gia bảo hiểm. Cùng với đó, 100% cán bộ ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã đăng ký, sử dụng ứng dụng VNeID mức độ 2. Đến nay, cơ quan BHXH tỉnh đã triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân tại 172 cơ sở y tế, giúp giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho người dân.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2024, BHXH tỉnh Lào Cai đạt tỷ lệ 86,2% tổng bình quân về các chỉ tiêu chi trả các chế độ bảo hiểm qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị (vượt 2,6% so với tổng bình quân kế hoạch BHXH Việt Nam giao), trong đó tỷ lệ lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 60,5%, chi trả các chế độ BHXH một lần đạt 98%, chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp đạt 100%.

Từ ngày 1/1/2025, Bảo hiểm xã hội tỉnh dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với người đã được cấp thẻ căn cước. Thay vào đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ thực hiện gia hạn giá trị thẻ bảo hiểm y tế trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành đang quản lý. Do đó, người tham gia chỉ cần sử dụng thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID, VssID khi đi khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế, đem lại sự thuận lợi, hài lòng cho người tham gia, tăng hiệu quả công tác quản lý, rút ngắn thời gian đón tiếp của các cơ sở y tế.

Với mục tiêu chuyển sang nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh bám sát các chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, của UBND tỉnh về việc thực hiện các nội dung theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo 100% dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và “hệ sinh thái” bảo hiểm xã hội 4.0; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc xác thực, chia sẻ, liên thông và hoàn thành tất cả nhiệm vụ, mục tiêu được giao, đảm bảo chất lượng và thời gian, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã góp phần hạn chế tối đa việc lãng phí công sức, thời gian của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, giải quyết chế độ, chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.