Chủ công trẻ Vi Thị Như Quỳnh - chủ công trẻ hay nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Thông tin mới nhất đến từ đại diện ban huấn luyện Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh: nữ chủ công Vi Thị Như Quỳnh sẽ tiếp tục thi đấu trong màu áo đội bóng đất mỏ. Hợp đồng của chủ công sinh năm 2002 sẽ đáo hạn vào năm 2025.
Thông tin đó đã đánh tan tin đồn về chuyện “xuất ngoại” tìm bến đỗ mới của Như Quỳnh khi cô cùng Than Quảng Ninh tập luyện đến ngày 6/2 (tức 27 tháng Chạp âm lịch), sau đó các cầu thủ sẽ được “xả trại” để nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong năm 2023, Như Quỳnh đã tỏa sáng tại giải các Câu lạc bộ nữ thế giới. Cô chính là cầu thủ ghi được nhiều điểm nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam tại giải đấu danh giá này.
Những đóng góp của tay đập gốc Nghệ An là không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh Sport Center 1 (thực chất là Đội tuyển quốc gia) thiếu vắng cây ghi điểm hàng đầu Trần Thị Thanh Thúy.
Như Quỳnh là một trong những vận động viên (VĐV) thuộc thế hệ 10X của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Mới 22 tuổi nhưng tầm ảnh hưởng của Như Quỳnh là rất lớn.
Tuy chiều cao không vượt trội (Như Quỳnh cao 1m75, so với tay đập Thanh Thúy cao 1m93 chơi ở vị trí chủ công), nhưng bù lại Như Quỳnh có sức bật tốt và thể lực tuyệt vời. Cô gái dân tộc Thái sở hữu những cú đập cực mạnh nhờ lực cổ tay rất khỏe.
Tại cúp bóng chuyền các câu lạc bộ Châu Á, tháng 4/2023, cùng với Thanh Thúy và Tú Linh, Như Quỳnh chính là nhân tố nổi bật, góp công không nhỏ khi ghi 17 điểm, giúp tuyển Việt Nam ngược dòng hạ Câu lạc bộ Diamond Food của Thái Lan 3-2 để giành chức vô địch.
Trong trận chung kết cúp “Thách thức nữ Châu Á”, tháng 6/2023, gặp Indonesia, Như Quỳnh vào sân thay Thanh Thúy từ set 4 và lập tức tạo nên hiệu ứng tích cực cho tuyển Việt Nam. Với sức trẻ của mình, Như Quỳnh ghi 11 điểm, góp phần giúp tuyển Việt Nam thắng ngược Indonesia 3-2 để giành vé dự FIVB Challenger Cup ở Pháp.
Tuổi trẻ, kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều, tấn công trên lưới chưa thực sự tốt do tầm đánh thấp, nhưng bù lại Như Quỳnh có thể lực tốt và lực đập bóng rất mạnh. Đặc biệt là với những cú đập bóng đầy uy lực sau vạch 3m. Đó là miếng đánh lợi hại được cho là “tra tấn” bất cứ đối thủ nào mà rất ít VĐV của chúng ta hiện tại làm tốt được. Cũng chính vì thế, Như Quỳnh đã được bầu chọn là chủ công xuất sắc nhất ở lượt về SEA V.League 2023.
Làng bóng chuyền Việt Nam còn đặt cho Như Quỳnh biệt danh là “Quỳnh lựu đạn” vì những cú đập có sức mạnh hủy diệt. Hiện nay, cô chính là tay đập hy vọng bậc nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam ở vị trí chủ công.
Cây chuyền hai gạo cội Hà Thị Hoa - “Những cây trường sinh” và người “biến không thành có”.
Nếu như Như Quỳnh là VĐV của tương lai thì ngược lại, làng bóng chuyền nữ Việt Nam rất đặc biệt khi có khá nhiều VĐV lớn tuổi nhưng vẫn thi đấu rất thành công. Họ được gọi bằng cái tên đầy nể trọng là “những cây trường sinh” của làng bóng chuyền Việt Nam.
Trong những ngôi sao gạo cội ấy không thể không kể đến chủ công Hà Thu Dậu (sinh năm 1969). Trong màu áo Ngân hàng Công thương, Hà Thu Dậu giành danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải khi chị đã 37 tuổi. Hà Thu Dậu còn tiếp tục thi đấu cho tới tận năm 2010 chị mới chính thức tuyên bố giải nghệ ở tuổi 41.
Đó còn là chủ công Bùi Thị Huệ (sinh năm 1985), chỉ cao 1m74 nhưng có tầm bật tấn công lên tới 2m95 và sở hữu những cú đập bóng "một tiếng" (tiếng bóng chạm tay và chạm sàn gần như cùng lúc), người được mệnh danh là "búa máy" của bóng chuyền nữ Việt Nam. Cũng như Hà Thu Dậu, tới năm 41 tuổi, cô mới chính thức giải nghệ.
Cũng có thể kể đến chủ công Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1986), người được ví như “đóa hoa nở muộn” của làng bóng chuyền nữ Việt Nam. Năm 2020, ở tuổi 34, cô gia nhập đội Hóa Chất Đức Giang với phí chuyển nhượng được coi là cao nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Ở tuổi 38, Nguyễn Thị Xuân vẫn là đội trưởng của Hóa Chất Đức Giang và cùng với Bùi Thị Huệ (sinh năm 1985) của Geleximco Thái Bình, cô là một trong hai cựu ngôi sao của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn còn thi đấu đỉnh cao cho tới thời điểm đó.
Tuy nhiên, một trong “những cây trường sinh” được biết đến rộng rãi chính là cây chuyền 2 Hà Thị Hoa (sinh năm 1984). Đến với bóng chuyền năm 16 tuổi, muộn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhưng cô gái Hải Phòng lại có một sự nghiệp vô cùng bền bỉ. Chính xác thì Hà Thị Hoa bắt đầu thi đấu bóng chuyền đỉnh cao từ năm 2000 và mãi đến năm 2022 cô mới chính thức dừng thi đấu, khép lại hơn 20 năm sự nghiệp đầy ắp thành công.
Nói về cây chuyền 2 có biệt danh Hoa "béo", cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ bóng chuyền đều phải thừa nhận biệt tài "biến không thành có", "biến xấu thành tốt" của cô. Hà Thị Hoa có khả năng "sửa" những đường bóng xấu một cách xuất sắc khi cô biến một pha đỡ lỗi của đồng đội thành một đường chuyền thuận lợi cho các tay đập ghi điểm. Bằng một cách nào đó, cô có thể biến một đường bóng vô vọng thành một đường kiến tạo "dọn cỗ" cho đồng đội tấn công.
Ở cấp độ tuyển quốc gia, Hà Thị Hoa từng giành 5 Huy chương Vàng SEA Games, nhiều năm liền là cây chuyền hai không thể thay thế ở tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
Volleybox là trang bóng chuyền uy tín hàng đầu thế giới đã xếp Hà Thị Hoa nằm trong số 10 cây chuyền hai xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam. Tới nay, cô chỉ xếp thứ 2 trên bảng "vàng", sau đàn em Nguyễn Linh Chi (sinh năm 1990).
Vừa là "cây đại thụ" về chuyên môn đỉnh cao với hơn 20 năm kinh nghiệm chinh chiến, vừa là chỗ dựa tinh thần cho các đàn em, trước khi giải nghệ (năm 2022) Hà Thị Hoa lại lập công đầu giúp Bamboo Airways Vĩnh Phúc vô địch giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2021 và giành quyền thăng hạng lên chơi ở giải VĐQG Việt Nam năm 2022.
Nhưng chỉ sau 1 năm “nghỉ hưu”, Hà Thị Hoa lại gây bất ngờ lớn khi cô trở lại thi đấu cho đội nữ Ngân hàng Công thương ở giải vô địch bóng chuyền Việt Nam 2023. “Tái xuất” ở tuổi 39, Hà Thị Hoa đã san bằng kỷ lục 23 năm thi đấu bóng chuyền chuyên nghiệp đỉnh cao của đàn chị Hà Thu Dậu. Cây chuyền 2 “thiên biến vạn hóa” Hà Thị Hoa đã trở thành VĐV có thâm niên cao nhất trong số các cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam đang còn thi đấu.