Trận chiến hào hùng
Trong căn nhà sàn truyền thống của người Tày, ông Lô Văn Tính (thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên) lại bồi hồi khi chúng tôi gợi nhớ về những ngày tháng lịch sử cách đây hơn 70 năm. Ông Tính năm nay đã ngoài 90 tuổi, 75 năm tuổi Đảng, là cựu chiến binh chống Pháp, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Căn bệnh của tuổi già khiến ông không còn nhanh nhẹn nhưng những dòng ký ức lịch sử năm xưa thì ông chẳng thể nào quên, cứ lần lượt hiện về qua từng dòng hồi tưởng như thước phim quay chậm. Ông Tính kể từ nhỏ sống ở mảnh đất ven sông Chảy này đã chứng kiến lính Pháp về đồn trú. Dân bản dù còn nghèo, thóc lúa chẳng đủ ăn nhưng trâu bò, lợn gà đều bị bọn lý trưởng, chánh tổng đi vơ vét, cống nạp cho chúng. Mối căm thù đã thôi thúc chàng thanh niên Lô Văn Tính đi theo cách mạng.
Dù không trực tiếp tham gia trận Phố Ràng nhưng chiến thắng oanh liệt trên mảnh đất quê hương luôn là niềm tự hào ông mang theo, mỗi khi có dịp lại kể với đồng đội suốt chặng đường hành quân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Cách đây 4 năm, huyện Bảo Yên tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phố Ràng, ông Tính là đại biểu đi dự và gặp nhiều cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông năm xưa. Ông mừng lắm, những người lính già chưa từng gặp nhau mà như quen biết từ lâu, đó cũng là lần đầu tiên ông trực tiếp được nghe những người tham gia chiến đấu kể lại trận đánh lịch sử ấy.
Trong cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên, trận Phố Ràng cũng được ghi chép trang trọng. Đúng 18 giờ ngày 24/6/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn địch, áp chế các ụ súng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế mãnh liệt, kiên cường, dũng cảm, đúng 8 giờ ngày 26/6/1949, quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống được tên quan Ba chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch.
Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận quân địch rút chạy theo 2 hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, gây hoang mang, lo sợ cho địch.
Chiến thắng Phố Ràng đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình, thúc đẩy sự tan rã của địch, tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phố Lu và tiến đánh đồn Nghĩa Đô, góp phần quan trọng đưa Chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, giải phóng hơn 600 km2 và hàng chục vạn Nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Đây là một trang sử hào hùng của Nhân dân các dân tộc Phố Ràng nói riêng và của huyện Bảo Yên nói chung.
Viết tiếp hào khí trận Phố Ràng
Đúng dịp kỷ niệm 74 năm Chiến thắng Phố Ràng, chúng tôi cùng Đoàn đại biểu của thị trấn Phố Ràng lên dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Qua bao năm, những dấu tích của trận đánh năm xưa vẫn còn đó như nhắc nhở các các thế hệ mai sau không được lãng quên.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Ràng - Phạm Anh Tuấn cho biết: Những năm gần đây, huyện Bảo Yên đã quan tâm bố trí nguồn lực để quy hoạch, xây dựng, phục dựng lại một số hạng mục để người dân và du khách gần xa biết đến nhiều hơn di tích lịch sử này. Thị trấn Phố Ràng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để thế hệ mai sau biến niềm tự hào ấy thành động lực xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mảnh đất Phố Ràng - nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt năm xưa - nay đã thay da đổi thịt, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên, cửa ngõ giàu đẹp phía Nam của tỉnh Lào Cai.
Phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 74 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, bình quân đạt trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên.
Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 49 triệu đồng/người/năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 56 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 4,45%/năm, đạt 111,25% mục tiêu đại hội.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa đến trung tâm; 100% các thôn, bản có đường bê tông xi măng đến trung tâm thôn, bản; 100% các thôn, bản có điện lưới quốc gia.
Giáo dục, y tế không ngừng được củng cố, phát triển, chất lượng ngày càng cao; đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên; bản sắc văn hoá được giữ gìn, phát huy. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo...
Trước những thời cơ, vận hội mới, huyện Bảo Yên có nhiều dư địa để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bảo Yên sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, xây dựng Bảo Yên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.