Để hiện thực hóa nội dung đề án, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện theo định hướng chung của toàn huyện.
UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổng hợp nhu cầu giống cây trồng, vật tư, phân bón ngay từ đầu vụ để đăng ký với đơn vị cung ứng đảm bảo thời vụ sản xuất. Cùng với đó, ban hành các văn bản hướng dẫn thời vụ và cơ cấu giống cây trồng để các xã, thị trấn chủ động thực hiện, đồng thời đẩy nhanh thẩm định phê duyệt dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới trình UBND huyện phê duyệt để triển khai kịp thời.
Nhờ các giải pháp trên, sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đã dần chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Sản xuất dần chuyển từ tăng số lượng, sang chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến đến sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp.
Người dân dần nhận thức được phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ dịch hại, thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI.
Các tiến bộ mới về giống, sử dụng phân bón cân đối, đúng liều lượng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chất cấm được người dân chú trọng áp dụng. Nhờ sử dụng nhiều bộ giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn đã góp phần thúc đẩy sản xuất nhiều vụ trong năm, tăng giá trị trên 1 ha canh tác.
Năm 2023, toàn huyện gieo trồng 12.757 ha cây lương thực có hạt, tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 74.056 tấn, bằng 106% so với mục tiêu đề án. 8 tháng năm 2024, toàn huyện gieo trồng 12.490 ha cây lương thực có hạt, bằng 102,3% kế hoạch huyện giao, bằng 106,4% kế hoạch tỉnh giao; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 36.065 tấn.
Chăn nuôi ngày càng phát triển, tổng đàn gia súc trên địa bàn đến hết tháng 8/2024 ước 98.122 con, đạt 92,3% so với mục tiêu đề án, tổng đàn gia cầm 678.000 con, đạt 105,6% so mục tiêu đề án. Diện tích nuôi thủy sản tính đến hết tháng 8/2024 là 480 ha, đạt 91,4 % so với mục tiêu đề án.
Hiện nay, huyện Văn Bàn đang bảo vệ 87.614 ha rừng, trồng mới 4.796 ha rừng, đạt 68,5% so với mục tiêu đề án; tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,76%, đạt 102,03% so với mục tiêu đề án.
Phát triển kinh tế nông thôn được huyện chú trọng, thông qua đa dạng hóa hình thức tập thể. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 45 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 8 hợp tác xã so với năm 2022; 4 trang trại theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp đã góp phần thực hiện thành công nhiều tiêu chí nông thôn mới, như thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, nghèo đa chiều…
Qua rà soát theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết năm 2023, toàn huyện đạt 266 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn 21 xã, bình quân đạt 12,67% tiêu chí/xã (tăng 37 tiêu chí so với năm 2022), 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 55 tiêu chí/10 xã).
Để tiếp tục duy trì các mục tiêu về phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Huyện sẽ lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị của địa phương, phát triển thành hàng hóa và có thương hiệu; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực và thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao.