LCĐT - Những năm qua, việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo” ở Văn Bàn đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, trật tự.
Én 2 là thôn vùng cao của xã Khánh Yên Trung, nơi có gần 100% người dân tộc Tày sinh sống. Những năm trước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như tảo hôn, mê tín dị đoan, tổ chức ma chay và lễ cưới hỏi dài ngày…
Từ năm 2009, thực hiện kế hoạch của Huyện ủy về xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện, Chi bộ thôn Én 2 đã lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và tổ tuyên vận thôn thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Dòng họ không có tảo hôn”, “Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu”…
Bí thư Chi bộ thôn Én 2, Lương Thị Đồng cho biết: Trong các mô hình thì khó nhất vẫn là triển khai thực hiện mô hình “Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu”. Cách đây 3 năm, khi trong thôn có người qua đời thì cả thôn kéo đến làm đám ma 3 - 4 ngày, gây tốn kém tiền của và phát sinh nhiều vấn đề an ninh, trật tự như say rượu, đánh nhau, cờ bạc… Trước tình hình này, chi bộ đã ra nghị quyết lãnh đạo, đồng thời xây dựng hương ước thôn và chỉ đạo Tổ Tuyên vận Én 2 triển khai vận động người dân thực hiện đổi mới việc tổ chức đám ma, đám tang; trước tiên, gia đình các đảng viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ… gương mẫu thực hiện. Đến nay, bà con trong thôn đã thay đổi nhận thức, đám ma, đám cưới đều được các hộ thực hiện theo đúng nếp sống văn hóa mới và phù hợp tập quán của dân tộc. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Chi bộ và Tổ Tuyên vận Én 2 đã vận động người dân hiến đất, góp công mở rộng tuyến đường trục chính của thôn dài 1 km, đóng góp hơn 100 triệu đồng thuê xe chở đất mở rộng lề đường và 18 triệu đồng làm đường điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn. Cùng với đó, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 5,6 ha…
Về thôn Én 2 hôm nay, chúng tôi thấy đời sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc, đường giao thông vào thôn được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Trên các sườn đồi ven đường vào trung tâm thôn trải dài một màu xanh của những vườn cây ăn quả, thấp thoáng những ngôi nhà mới khang trang...
Một trong những thành công trong công tác “Dân vận khéo” thời gian qua tại huyện Văn Bàn là vận động người dân hiến đất mở rộng và làm đường giao thông.
Đến xã Hòa Mạc, chúng tôi được nghe những câu chuyện về cách làm mới trong tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng Quốc lộ 279, đoạn qua địa bàn xã. Đồng chí Hà Đình Quân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2022, khi Nhà nước có chủ trương triển khai Dự án nâng cấp Quốc lộ 279, Ban Tuyên vận xã đã chỉ đạo các tổ tuyên vận từng thôn đi sâu tìm hiểu những khó khăn; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đảng ủy xã cũng chỉ đạo các chi bộ thôn vận động cán bộ, đảng viên, hội viên các hội, đoàn thể gương mẫu đi đầu hiến đất hoặc tự giác thực hiện các quy định về giải phóng mặt bằng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, 200 hộ bị ảnh hưởng khi mở rộng Quốc lộ 279 đoạn qua xã Hòa Mạc (trong đó có 60 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, đất thổ cư và 19 hộ phải di chuyển nhà ở) đã đồng thuận, tự giác thực hiện giải phóng mặt bằng, nhiều hộ còn hiến đất vườn, đất thổ cư.
Đồng chí Hoàng Đình Tom, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn cho biết, với quan điểm công tác dân vận là việc của cả hệ thống chính trị, trong đó “Dân vận khéo” đóng vai trò rất quan trọng, Ban Dân vận Huyện ủy và khối dân vận cơ sở của huyện Văn Bàn đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Đến nay, huyện Văn Bàn đã xây dựng được 404 mô hình “Dân vận khéo”, chú trọng xây dựng mô hình ở các thôn, bản. Cụ thể, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn huyện có 166 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 156 mô hình; lĩnh vực an ninh, trật tự có 61 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có 21 mô hình. Các địa phương đã vận động người dân xây dựng 16.806 nhà vệ sinh, 15.024 bể nước hợp vệ sinh, di dời 16.257 chuồng trại gia súc ra xa nơi ở… Qua đánh giá chất lượng mô hình “Dân vận khéo” đạt kết quả tốt là 34, khá là 303 và trung bình là 64.
Năm 2023, các địa phương của huyện Văn Bàn tiếp tục củng cố, xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, chú trọng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vận động người dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; duy trì 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao…