Chỉ riêng liều vaccine COVID-19 tăng cường đầu tiên đã cứu được khoảng 700.000 sinh mạng. Đại diện WHO tại châu Âu khẳng định khi làn sóng bệnh đường hô hấp mùa đông tràn lan, việc cập nhật thông tin về COVID-19 và bệnh cúm là "cực kỳ quan trọng đối với những người dễ bị tổn thương".
Phát biểu với báo giới, Giám đốc WHO khu vực châu Âu - ông Hans Kluge - cho biết: “1,4 triệu người tại khu vực này, hầu hết là người cao tuổi, đang tận hưởng cuộc sống với người thân nhờ việc đã đưa ra quyết định quan trọng là tiêm vaccine ngừa COVID-19”.
Ông Hans Kluge nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người cần tự bảo vệ mình trong mùa đông, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.
Dữ liệu gần đây cho thấy một số quốc gia Liên minh châu Âu đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của các ca COVID-19 và sự lây lan đồng thời của bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp khác. WHO bày tỏ lo ngại về áp lực cục bộ đối với các bệnh viện và tình trạng quá tải trong các phòng cấp cứu.
Các quan chức WHO khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng khi có thể, đeo khẩu trang và đảm bảo các khu vực trong nhà được thông gió tốt.
Quan chức của WHO cho biết thêm: “Trong bối cảnh chúng ta học cách sống chung với COVID-19 và các loại virus khác gây bệnh viêm đường hô hấp, điều tối quan trọng là những người dễ bị tổn thương cần được tiêm vaccine phiên bản mới nhất để ngừa COVID-19 và cúm theo khuyến nghị”.
Ông Hans Kluge cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây bệnh nặng hơn hoặc một chủng mới chưa từng biết tới. Giám đốc WHO khu vực châu Âu kêu gọi tăng tiền tài trợ để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế và các loại thuốc cơ bản.
Số bệnh nhân mắc COVID-19 đang tăng trở lại ở một số nước châu Âu. Chính phủ Tây Ban Nha mới đây đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang để đối phó với tình hình.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu khuyến nghị người dân ở nhà nếu có triệu chứng cúm hoặc COVID-19, tuân thủ các hướng dẫn quốc gia về tiêm chủng dành cho các nhóm dễ tổn thương.
Đại dịch COVID-19 càn quét ở châu Âu từ tháng 3/2020 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người ở châu lục này.