Bản Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch đã được hai bên thông qua tại hội đàm trực tuyến.
TUYÊN BỐ CHUNG
VỀ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC XANH
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ
CHÍNH PHỦ ĐAN MẠCH
Ngài Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Đan Mạch đã đồng chủ trì trực tuyến Lễ công bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch (sau đây được gọi là "hai bên") vào ngày 01 tháng 11 năm 2023.
Bên cạnh đó, hai bên cam kết hợp tác hướng tới một hệ thống quốc tế vững mạnh và minh bạch dựa trên luật pháp quốc tế với sự tôn trọng nhân quyền.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch và để ghi nhận sự hợp tác mạnh mẽ và bền chặt giữa hai nước trong hơn 50 năm qua, hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh.
Trong bối cảnh hai nước tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và các vấn đề toàn cầu hai bên cùng quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, Đối tác Chiến lược Xanh được xây dựng trên cơ sở phát huy và củng cố Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch ký ngày 19 tháng 9 năm 2013 và bổ sung cho Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh ký ngày 28 tháng 11 năm 2011.
Hai bên đã xây dựng được mối quan hệ đối tác lâu năm trong nhiều lĩnh vực. Đối tác Chiến lược Xanh sẽ góp phần hiện thực hóa các nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao tham vọng khí hậu toàn cầu, môi trường và thiên nhiên, cũng như một quá trình chuyển đổi xanh công bằng về mặt xã hội nhằm tạo việc làm xanh và tránh gia tăng bất bình đẳng.
Đối tác Chiến lược Xanh được xây dựng trên thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm và tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và đưa ra giải pháp về chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu; với trọng tâm hiện thực hóa các cam kết của Thỏa thuận Paris và các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Sự cần thiết của hợp tác xanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Hai bên tin rằng đại dịch COVID-19 cho thấy mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các đối tác trong chương trình nghị sự xanh và khí hậu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc hỗ trợ phục hồi xanh, bền vững và toàn diện.
Tăng cường đối thoại xanh
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình nghị sự về các lĩnh vực xanh và nhất trí thúc đẩy sự tương tác, tham gia và cộng tác của các bên liên quan khác nhau, bao gồm các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố và các bên liên quan khác trong việc nỗ lực cùng nhau thực hiện các chương trình nghị sự xanh ở Việt Nam và Đan Mạch.
Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng quyết định thiết lập Đối tác Chiến lược Xanh sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.
Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chính sách cấp cao về các mục tiêu khí hậu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hai bên cũng đồng ý tăng cường trao đổi kiến thức và thực tiễn tốt nhất, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến cụ thể về phát triển bền vững, khí hậu, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lương thực và nông nghiệp, y tế và khoa học đời sống, thống kê, phát triển đô thị, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại các diễn đàn liên quan.
Khí hậu, Môi trường và Năng lượng
Hai bên ghi nhận và hoan nghênh quyết tâm chính trị của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu được thể hiện qua cam kết về lộ trình phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các liên minh nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu và cam kết chung giảm dần than đá.
Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính để hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế ít carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Với Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia được phê duyệt, Quy hoạch điện VIII và quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Việt Nam sẽ thực hiện các bước quan trọng để giảm carbon trong ngành năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của an ninh năng lượng và chi phí năng lượng hợp lý đối với xã hội và người dân Việt Nam.
Kể từ năm 2013, Chính phủ hai nước đã tăng cường hợp tác để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Một nội dung quan trọng trong mối quan hệ hợp tác này là nâng cao năng lực trong lĩnh vực quy hoạch năng lượng dài hạn, với việc công bố các báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam. Các báo cáo trình bày hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai đến năm 2050 thông qua các kịch bản khác nhau. Các kịch bản trong báo cáo cho thấy làm thế nào để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về phát thải đỉnh và phát thải ròng bằng 0 thông qua việc tăng các mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), cùng với các khuyến nghị về tích hợp năng lượng tái tạo quy mô lớn và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Hai bên hoan nghênh các kết quả đã đạt được của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam Giai đoạn II và nhất trí tiếp tục duy trì Chương trình đối tác năng lượng, trong đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như mô hình hóa hệ thống năng lượng, kịch bản giảm phát thải, phát triển điện gió ngoài khơi, mở rộng và tích hợp năng lượng tái tạo, xây dựng các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và công nghệ. Việc tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực này sẽ hỗ trợ Việt Nam từng bước thực hiện các bước chính sách tiếp theo để hiện thực hóa các mục tiêu về phát thải đỉnh, phát thải ròng bằng 0, và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than.
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác xây dựng và xuất bản Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam. Các báo cáo này có thể được xem là nền tảng kỹ thuật quan trọng trong việc thiết kế chính sách nhằm củng cố mục tiêu của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và giảm dần than đá.
Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm thiết lập và vận hành thị trường carbon, hỗ trợ tiếp cận kiến thức liên quan đến thu giữ và lưu trữ carbon dựa trên sinh khối (CCS) nếu được coi là phù hợp theo các khuyến nghị trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam nhằm góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường chia sẻ kiến thức chuyên môn trong việc thiết kế và triển khai các chính sách và công cụ kỹ thuật cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Để đạt được mục tiêu này, các cuộc tham vấn chuyên gia kỹ thuật, đối thoại chính sách và trao đổi các chuyến thăm của phái đoàn các cấp sẽ được tổ chức.
Hợp tác thương mại và kinh doanh
Hai bên ghi nhận các điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã được cải thiện với kết quả Việt Nam nằm trong 20 nền kinh tế thu hút vốn trực tiếp nước ngoài nhiều nhất năm 2020. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Thành viên Liên minh châu Âu, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy quan hệ thương mại hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực xanh giữa hai bên. EVFTA dành riêng một chương quy định về thương mại và phát triển bền vững đã mở đường cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại và đầu tư.
Hai bên sẽ nỗ lực tăng cường năng lực và sự tham gia của các công ty Việt Nam trong việc đóng góp vào chuỗi giá trị bền vững. Chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đan Mạch trong nỗ lực tìm nguồn cung và thúc đẩy sản xuất bền vững hơn tại Việt Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền và điều kiện lao động.
Hai bên mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thực phẩm, nông nghiệp, quản lý nước, nước thải, giải pháp hàng hải, công nghệ và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức các chuyến tham quan học hỏi là những công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Hai bên mong muốn tăng cường hơn nữa đối thoại cấp Chính phủ về các vấn đề hàng hải, như vận tải đường biển xanh và các giải pháp hàng hải xanh, đồng thời duy trì đối thoại và hợp tác lâu dài về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải. Phương thức hợp tác có thể là các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội thảo trực tuyến giữa các công ty Việt Nam và Đan Mạch và các tổ chức, đơn vị khác trong lĩnh vực hàng hải nhằm thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Sự phát triển của đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và biến đổi khí hậu ngày càng tác động đáng kể đến môi trường của Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thập kỷ trong việc cung cấp các giải pháp hướng đến công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh và bền vững, các doanh nghiệp Đan Mạch mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam, cụ thể trong lĩnh vực phát triển đô thị, thực phẩm và nông nghiệp, y tế và khoa học đời sống. Để thúc đẩy và tăng cường hợp tác về phát triển công nghệ, các cơ quan Chính phủ Đan Mạch có thể tạo thuận lợi thông qua các điều kiện khung tối ưu để giúp các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.
Phát triển đô thị và các thành phố bền vững và đáng sống
Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác giữa các chuyên gia và tổ chức của hai nước trong lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng các thành phố bền vững và đáng sống. Hình thức hợp tác có thể bao gồm việc tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt và các dự án, và nếu có điều kiện, tổ chức các chuyến tham quan học tập để thúc đẩy việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm và tăng cường xây dựng năng lực.
Lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với trọng tâm chính là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và tiết kiệm tài nguyên cũng như sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, bao gồm các công nghệ và giải pháp cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trên đất liền và trên biển. Hai bên nhất trí chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về các khía cạnh môi trường trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm quản lý tài nguyên bền vững và giảm đầu vào sản xuất.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai, hướng đến phát triển nền sản xuất nông nghiệp, thủy sản tạo ra lợi nhuận cao hơn, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Hai bên sẽ tìm hiểu khả năng hợp tác trong nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tương lai.
Hai bên tán thành ý tưởng về quan hệ đối tác công tư trong việc ngăn ngừa và chống lãng phí và thất thoát thực phẩm nhằm hỗ trợ sản xuất lương thực bền vững hơn và chuỗi cung ứng hiệu quả về tài nguyên.
Y tế và khoa học đời sống
Việc giảm phát thải các chất ô nhiễm, chẳng hạn như kim loại nặng hoặc các chất dạng hạt, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế và tiếp tục hợp tác ở cấp Chính phủ để thúc đẩy hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các lĩnh vực kiểm soát phòng ngừa, phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Thống kê quốc gia hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh
Việc đảm bảo có đầy đủ dữ liệu thống kê và phân tích tuân thủ các tiêu chuẩn và phương pháp đã được quốc tế công nhận được xem là cần thiết trong công tác đo lường và quy hoạch cho phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Việc hợp tác giữa hai bên sẽ áp dụng các công nghệ và phương pháp mới để củng cố nguồn dữ liệu thống kê sẵn có ở Việt Nam, bao gồm Tài khoản Môi trường Quốc gia.
Thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi xanh trên mọi lĩnh vực
Hai bên sẽ phối hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và khử carbon trong các lĩnh vực và chuỗi cung ứng, bao gồm logistics và vận chuyển. Hai bên cũng sẽ hợp tác thúc đẩy các sáng kiến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Hai bên sẽ nỗ lực phát triển quan hệ đối tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp phù hợp của hai nước, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghệ xanh và thân thiện với khí hậu. Hai bên nhìn nhận tầm quan trọng của việc cải thiện các điều kiện khung pháp lý hỗ trợ đầu tư công và tư trong lĩnh vực năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng, trong đó có khả năng tiếp cận tài chính quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, việc tăng cường và củng cố bộ máy quản lý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ xanh. Hai bên nhìn nhận rằng khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ là nhân tố then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi đổi mới sáng tạo xanh đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế và tạo ra việc làm bền vững.
Hai bên nhìn nhận các khoản cho vay ưu đãi và tài trợ bằng tiền của Chương trình Hỗ trợ tài chính phát triển cơ sở hạ tầng bền vững của Danida (DSIF) là công cụ tài chính có giá trị và quan trọng, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, thông qua việc khai thác, sử dụng kiến thức và công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Hai bên thống nhất khuyến khích các chương trình, dự án PPP sử dụng các công cụ tài chính Đan Mạch bao gồm Chương trình DSIF và Quỹ Xuất khẩu và Đầu tư Đan Mạch (EIFO), trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật và định hướng cung cấp, sử dụng vốn của từng bên.
Hợp tác đa phương
Hơn nữa, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác đa phương trong việc ứng phó với các thách thức khí hậu và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương. Hai bên hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy các hành động về khí hậu như Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Các mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G).
Các sáng kiến như P4G đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thông qua huy động sức mạnh của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhà nước trong quan hệ đối tác vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bao trùm. Với tư cách là thành viên nòng cốt của P4G, hai bên cam kết phối hợp với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các sáng kiến này và nỗ lực khai thác tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tài chính đa phương, bao gồm thông qua hệ thống các ngân hàng phát triển, các định chế tài chính quốc tế và khu vực.
Kết luận
Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng quyết định thiết lập Đối tác Chiến lược Xanh giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.
Các mục tiêu đầy tham vọng và các hành động cụ thể cho từng lĩnh vực sẽ được xác định và đưa ra trong Kế hoạch Hành động hiện có liên quan đến Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai bên.