Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Mường Khương đã thành lập 4 tổ truyền thông cộng đồng, trong đó, Tổ truyền thông cộng đồng tổ dân phố Na Đẩy được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất. 10 thành viên của tổ gồm 4 nam giới và 6 phụ nữ là bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ và những công dân có uy tín, tích cực trong hoạt động xã hội.
Ông Lý Dung Chí, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Na Đẩy được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng. Nắm bắt tốt tình hình trong tổ dân phố và với tinh thần trách nhiệm, ông Chí đã xây dựng cụ thể nội dung truyền thông, giao nhiệm vụ cho các thành viên.
Những hoạt động tuyên truyền của Tổ truyền thông cộng đồng Na Đẩy được lồng ghép trong những buổi họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Nội dung vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ định kiến về giới, phòng, chống bạo lực gia đình, xoá bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được đẩy mạnh tuyên truyền.
Ông Lý Dung Chí chia sẻ: Chúng tôi đã được tham gia tập huấn và cũng tích cực, chủ động giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm với thành viên tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố khác để nâng cao kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm xây dựng nội dung, giúp hoạt động tuyên truyền thêm hiệu quả.
Chị Lù Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Na Đẩy là thành viên tích cực của tổ truyền thông. Chúng tôi cùng chị Hoa đến nhà những hội viên hội phụ nữ và lắng nghe câu chuyện chị chia sẻ. Lối nói chuyện thân tình, gần gũi giúp nội dung tuyên truyền của chị Hoa thêm hiệu quả.
Bà Vàng Thị Chấn chia sẻ: Chị Hoa thường xuyên thăm hỏi, tuyên truyền giúp gia đình tôi hiểu về bình đẳng giới, gia đình sinh con 1 bề không trọng nam, khinh nữ, cháu trai, cháu gái đều yêu quý như nhau, đều cho đến trường và thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Hai năm gần đây, chị Hoa vận động chị em thôn Na Đẩy trồng giống ớt bản địa Mường Khương, tham gia Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy để phát triển kinh tế gia đình. Chị Hoa đi đầu trồng 7 nghìn cây ớt, 9 chị em trong thôn cũng học tập làm theo, như chị Lù Thị Thương, Lù Thị Nùng, Lù Thị San, Lục Thanh Huệ… Mỗi chị em trồng từ 5 nghìn cây trở lên và cùng chia sẻ cách trồng, chăm sóc để cây ớt cho năng suất, chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất tương ớt, góp phần tạo nên thương hiệu Tương ớt bản địa Mường Khương - một trong những đặc sản của huyện Mường Khương.
Chị Lù Thị Hoa chia sẻ: Tại tổ dân phố Na Đẩy còn không ít hộ nghèo, cận nghèo, tham gia những hoạt động của hội phụ nữ giúp nhiều chị em có thêm kiến thức, động lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng và kinh doanh dịch vụ, nông sản địa phương…
Ngoài tổ dân phố Na Đẩy, thị trấn Mường Khương còn 7 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn, như: Nhân Giống, Dê Chú Thàng, Choán Ván, Sả Hồ… Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khương đã trở thành cầu nối, gắn kết chị em phụ nữ thông qua các phong trào, hoạt động của hội, cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình sản xuất như trồng quýt, trồng ớt, nuôi lợn đen… giúp nhau phát triển kinh tế.
Bà Hà Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương cho biết: Để triển khai và thực hiện tốt các mục tiêu của Dự án 8, chúng tôi phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ và người có uy tín trong công tác truyền thông cộng đồng. Địa bàn thị trấn đa dân tộc nên chúng tôi chú trọng tuyên truyền bằng tiếng địa phương và đẩy mạnh tuyên truyền tại khu vực biên giới.
"Phụ nữ thị trấn Mường Khương đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi, đã tạo dựng thành công và đang nỗ lực duy trì thương hiệu tương ớt Mường Khương, trở thành sản phẩm hàng hoá thế mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương"- bà Ngọc Anh nhấn mạnh.