Từ năm 2014 đến nay, trường Chính trị tỉnh đã đào tạo 121 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và trung cấp lý luận chính trị, với 8.659 học viên; 78 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chuyên viên chính, kiến thức quản lý hành chính chuyên viên, kiến thức kỹ năng lãnh đạo cấp phòng, đối tượng 4, bồi dưỡng cấp ủy, với 5.112 học viên; 10 lớp cao cấp lý luận chính trị.
Những yếu tố tác động đến công tác đổi mới giáo dục lý luận chính trị của nhà trường
Trong 10 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nói riêng chịu sự tác động rất lớn của xu thế phát triển chung trong xã hội. Đây là giai đoạn công tác đào tạo, bồi dưỡng chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường khi hoạt động này bắt đầu có sự thừa nhận rõ ràng của xu thế cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Vì vậy, đã có những năm, việc mở lớp trung cấp lý luận chính trị được các trường đào tạo của bộ, ngành về các địa phương chiêu sinh. Các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước của các trường chính trị chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của xu thế này, dẫn đến công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố có tính chất thúc đẩy để các địa phương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành những quy định, chính sách phù hợp hơn cho công tác đào tạo lý luận chính trị, đồng thời nhà trường cũng phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu, xu thế chung của xã hội, đủ sức cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác.
Về cơ sở vật chất, trong những năm qua, tỉnh đã có sự đầu tư lớn xây dựng mới toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện. Đặc biệt, các gói nội thất đã được hiện đại hóa, hệ thống máy chiếu, tăng âm… khá đầy đủ. Đây là điều kiện cơ bản để việc giảng dạy, học tập được thực hiện trong một môi trường thuận lợi. Song song với đó, nhà trường chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2020, bộ máy của trường được tinh gọn từ 5 khoa, 3 phòng thành 3 khoa, 2 phòng với các chức năng, nhiệm vụ được phân công rành mạch, rõ ràng.
Các quy định của Kết luận số 94, Quy định số 11 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn và Đề án số 21 ngày 30/3/2022 về phát triển Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy đã trở thành đòn bẩy trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của nhà trường, là căn cứ để nhà trường đẩy nhanh tiến độ kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách, xây dựng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng. Đây chính là thời điểm nhảy vọt về chất lượng đội ngũ với 20 viên chức được cử đi đào tạo thạc sĩ (đến nay trường có 32/33 giảng viên có trình độ thạc sĩ, còn 1 người đang học thẳng lên nghiên cứu sinh); 12 viên chức được cử đi đào tạo nghiên cứu sinh (đến nay đã có 2 người có bằng tiến sĩ)... Hiện, trường đã có 2 giảng viên cao cấp và tương đương; 25 giảng viên chính và tương đương.
Từ những kiến thức tích lũy qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên đã vươn lên làm chủ tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được giao và từng bước khẳng định thương hiệu là cơ sở duy nhất đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị trong tỉnh và là cơ sở đào tạo có uy tín trong khu vực miền núi, biên giới phía Bắc.
Khung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh đã đáp ứng tốt hơn mục tiêu đào tạo một cách toàn diện, thiết thực, gắn với vị trí việc làm. Đặc biệt, năm 2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành khung chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị thay chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đồng thời, bộ quy chế quản lý đào tạo theo Quyết định số 6468 năm 2021 của Giám đốc Học viện được đưa vào thực hiện đã làm thay đổi căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
Xác định rõ đây là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nên các quy trình trong khâu đào tạo, bồi dưỡng đều được nhà trường chú trọng đổi mới.
Để rèn luyện giảng viên về công tác chuyên môn, các hoạt động thăm lớp, dự giờ, thi giảng viên giỏi, lấy phiếu phản hồi của người học là các biện pháp đánh giá chất lượng giảng dạy chính thống được thực hiện hằng năm.
Việc dự giờ, thăm lớp được các khoa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thường xuyên dưới hình thức dự theo kế hoạch và dự giờ đột xuất, hằng năm đảm bảo 100% giảng viên được dự giờ. Sau các buổi dự giờ, khoa chuyên môn và Hội đồng Khoa học nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, đóng góp ý kiến cho giờ giảng.
Việc soạn bài, thiết kế giờ giảng được thực hiện nghiêm túc với sự đầu tư công phu. Nhiều giảng viên tích cực ứng dụng công nghệ vào giờ giảng, giúp người học tiếp cận các vấn đề lý luận dễ dàng, bài giảng cũng hấp dẫn hơn. Các bài giảng lý luận chính trị về cơ bản không còn khô cứng, kinh viện như trước đây do giảng viên đã tích cực, chủ động sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực theo phương châm lấy người học làm trung tâm. Trong lớp học, sự tương tác giữa giảng viên và học viên được chú trọng.
Các hình thức đánh giá kết quả học tập được điều chỉnh thường xuyên trên nguyên tắc đảm bảo đánh giá khoa học, chính xác chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tuân thủ các quy định, quy chế. Trường Chính trị tỉnh Lào Cai cũng là trường tiên phong, đi đầu trong hệ thống các trường chính trị về việc tổ chức thi vấn đáp, thi trắc nghiệm song song với thi tự luận. Việc làm này đảm bảo mục tiêu đào tạo lý luận chính trị không chỉ cung cấp cho học viên các kiến thức mà còn bồi dưỡng, củng cố tư duy, phương pháp luận khoa học cho người học, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị được tham gia đào tạo.
10 năm qua cũng là thời gian nhà trường tập trung đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy hướng đến việc ngày càng nâng cao chất lượng của hoạt động này. Những năm đầu thực hiện Kết luận số 94, hoạt động của nhà trường trong lĩnh vực này mới dừng lại ở các nghiên cứu cấp trường, tính ứng dụng chưa cao; việc nghiên cứu các đề tài của giảng viên mang tính tập dượt, thử sức. Tuy nhiên, nhà trường xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là cơ hội để giáo viên có môi trường thực hành, góp phần phát triển tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi kinh nghiệm, tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học, rèn luyện các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu; mở rộng mối quan hệ và các mạng lưới nghiên cứu về các chuyên ngành, lĩnh vực khác. Từ đó, các kế hoạch nghiên cứu được xây dựng và tổ chức thực hiện đã phát huy được thế mạnh của đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có khả năng nghiên cứu. Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp, thực chất và tạo vị thế, thương hiệu của trường trong công tác tổ chức hội thảo khoa học, các cuộc thi do tỉnh, trung ương phát động.
Việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, tham gia tổng kết thực tiễn được nhà trường thực hiện bằng các hình thức đa dạng, linh hoạt như nghiên cứu định kỳ hằng năm (bắt buộc với tất cả giảng viên); nghiên cứu có kỳ hạn theo đề án của trường và đi thực tế cùng học viên các lớp theo kế hoạch của trường. Quy trình, thủ tục và nhiệm vụ của từng loại hình được quy định rõ và đảm bảo giảng viên thực hiện nghiêm.
Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế trong những năm qua đã giúp giảng viên tích lũy thêm kiến thức, tư liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, rèn luyện cho giảng viên những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý tình huống, tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp trong Nhân dân… Bên cạnh đó, giảng viên có cơ sở kiểm chứng mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn.
Trong giai đoạn này, trường cũng biên soạn và xuất bản tập giáo trình “Thực tiễn kinh nghiệm địa phương” nằm trong chương trình đào tạo lý luận chính trị và đã triển khai giảng dạy từ năm 2021 đến nay đối với toàn bộ các lớp trung cấp lý luận chính trị. Nhà trường đã tiến hành nhiều hoạt động để thực hiện hiệu quả khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới, như: phân công các phương án cho từng bài giảng đảm bảo tính chuyên môn sâu nhưng linh hoạt, đa tầng; nghe giảng thông bài cho 100% giờ giảng của chương trình mới; việc biên soạn sách tham khảo, các bộ đề thi được chú trọng, đảm bảo cả về chất và lượng.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên cho hệ thống chính trị của tỉnh, đây là môi trường học tập, rèn luyện của học viên nên nhà trường luôn chú trọng công tác quản lý học viên trên lớp cũng như trong suốt quá trình học tập. Việc quản lý học viên được thực hiện bằng nhiều hình thức. Nhà trường cũng phối hợp với cơ quan chủ quản của học viên trong việc theo dõi ý thức, trách nhiệm của học viên trong toàn bộ khóa học tại cơ quan, đơn vị bằng cách có văn bản trao đổi với cơ quan chủ quản của học viên các lớp học theo hình thức vừa làm, vừa học. Đối với những lớp học theo hình thức tập trung, giáo viên chủ nhiệm, các phòng chức năng, khoa chuyên môn và giảng viên đứng lớp luôn chủ động cập nhật, theo dõi và đánh giá ý thức học tập của học viên, kịp thời trao đổi, báo cáo để có sự nhắc nhở, điều chỉnh cả về ý thức học tập, lối sống và việc chấp hành các quy định, quy chế trong cả khóa học. Nhiều lớp học đã tạo được tính đoàn kết, tính tập thể cao, cùng chia sẻ, hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc giúp đỡ các địa phương sở tại trong tuyên truyền… Chi bộ học viên được thành lập ở các lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung cũng là một thiết chế lãnh đạo quan trọng, hiệu quả đối với tập thể lớp và đảng viên trong chi bộ.
Để nâng cao chất lượng học tập, tạo cơ hội cho học viên chia sẻ kinh nghiệm, cách thức học tập, trường đã tổ chức các hội thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị”, với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức qua các năm, trở thành sân chơi hữu ích cho học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị.
Những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục lý luận chính trị
Qua đánh giá hoạt động chuyên môn của nhà trường cũng như sự phản hồi của người học cho thấy chất lượng nhiều giờ giảng, bài giảng của một số giảng viên chưa thật sự tốt cả về nội dung, phương pháp, gây nhàm chán cho người học. Mặt khác, đa số giảng viên của trường chưa được thực tế công tác, trải nghiệm qua các vị trí “thực làm” tại các cơ quan, đơn vị nên thiếu kiến thức thực tế. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn có những nội dung chưa phù hợp, cần có sự điều chỉnh. Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đã được đẩy mạnh nhưng vẫn thiếu tính chuyên môn, chưa thực sự hấp dẫn đối với giảng viên. Việc quản lý học viên vừa làm vừa học còn nhiều vướng mắc vì bản thân nhiều học viên chưa xác định đúng động cơ học tập, không phải học vì tự thân mà học vì bằng cấp nên còn hiện tượng vắng giờ, vắng tiết để giải quyết công việc cá nhân, cơ quan mà không xin phép. Việc đánh giá sau đào tạo của nhà trường chưa được chú trọng nên việc nắm mức độ hài lòng về quá trình đào tạo, sự vận dụng kiến thức đã được học của học viên vào thực tế chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường chưa có nhiều hoạt động, cách thức để gắn việc học với thực hành, để phát huy vai trò của người học trong các hoạt động chung của xã hội, của tỉnh và của nhà trường.
Các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Phải tiếp tục xây dựng được đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, năng lực, có tâm, có tầm và phải sử dụng hiệu quả đối với nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Tiếp tục thể chế hóa các quy định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục rà soát, có kiến nghị để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ có những điều chỉnh khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hơn với nhu cầu của người học, theo kịp với những thay đổi của xã hội.
Tiếp tục đổi mới, hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng lấy người học làm trung tâm với phương châm “dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất”.
Làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.
Các cơ quan, tổ chức trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban, sở, ngành của tỉnh cần có sự đồng hành với nhà trường trong công tác triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Đây có thể coi là những “chỗ dựa” tin cậy để nhà trường tham vấn trong quá trình hoạt động…