Thông tin khai trương trạm khoa học Tần Lĩnh được Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc công bố ngày 7/2. Đây là trạm nghiên cứu khoa học thứ 5 của nước này được xây ở Nam Cực, tiếp sau các trạm Trường Thành, Trung Sơn, Côn Lôn và Thái Sơn.
Trạm Tần Lĩnh nằm trên đảo Inexpressible thuộc biển Ross của Nam Cực, có diện tích 5.244 mét vuông. Đây cũng là trạm nghiên cứu khoa học quanh năm thứ 3 sau các trạm Trường Thành và Trung Sơn, đồng thời là trạm nghiên cứu đầu tiên hướng với khu vực Thái Bình Dương.
Trạm Tần Lĩnh, trạm nghiên cứu thứ 5 của Trung Quốc ở Nam Cực.
Biển Ross, nơi đặt trạm Tần Lĩnh, là vùng biển gần Nam Cực nhất và là nơi lý tưởng cho các chuyến thám hiểm khoa học vùng cực. Dự kiến sau khi hoàn thành, trạm này có thể chứa 80 người vào mùa hè và 30 người vào mùa đông.
Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng việc nước này hoàn thành xây dựng trạm Tần Lĩnh và hoạt động của nó ở Nam Cực. Lưu ý rằng năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thám hiểm vùng cực, ông nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu vùng cực của nước này đã đạt được những thành quả to lớn và “việc hoàn thành trạm Tần Lĩnh sẽ mang lại sự đảm bảo mạnh mẽ cho các nhà khoa học Trung Quốc và trên thế giới tiếp tục khám phá những bí ẩn của thiên nhiên và dũng cảm leo lên đỉnh cao của khoa học”.
Chiều ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, cơ sở nghiên cứu này sẽ giúp nâng cao hiểu biết khoa học của nhân loại về Nam Cực, tạo nền tảng để Trung Quốc hợp tác với các nước trong các cuộc thám hiểm khoa học, thúc đẩy việc phát triển hòa bình và bền vững khu vực này.
Trong khi đó, theo ông Hà Kiếm Phong, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Địa cực Trung Quốc, trạm Tần Lĩnh sẽ giúp nước này lấp đầy khoảng trống ở khu vực Thái Bình Dương về mặt bố trí mạng lưới quan sát dài hạn và giúp hiểu sâu hơn về những thay đổi môi trường ở toàn bộ khu vực quanh Nam Cực. Ba trạm nghiên cứu quanh năm gồm Trường Thành, Trung Sơn và Tần Lĩnh lần lượt tương ứng với các khu vực Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mạng lưới quan sát lâu dài này ở Nam Cực được xây dựng một cách có hệ thống để trả lời tốt hơn các câu hỏi khoa học tiền duyên về biến đổi khí hậu, băng tuyết và các cơ chế thay đổi của môi trường sinh thái.
Được biết, trạm Tần Lĩnh sử dụng công nghệ và vật liệu xây dựng nhẹ, cường độ cao, có thể chịu được nhiệt độ cực thấp âm 60 độ C và sự ăn mòn mạnh ở môi trường ven biển. Sức cản gió thiết kế đạt 65 mét/giây, tương đương với sức gió trên cấp 17.