
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 8.500 km đường giao thông các loại, cụ thể: 72 km đường cao tốc; 5 tuyến quốc lộ với chiều dài trên 456 km; 16 tuyến tỉnh lộ với chiều dài trên 969 km và hơn 7.000 km đường huyện, đường liên xã, liên thôn... Trước đây, một số tuyến đường đã được trồng cây xanh phân tán hai bên nhưng quy mô nhỏ lẻ, ngắt quãng và mang tính cục bộ; trên cùng một tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua nhưng mỗi địa phương lại trồng các loại cây khác nhau. Chưa kể, địa hình và điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng, chăm sóc và bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, từ năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề xuất trồng cây xanh phân tán trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện, xã, liên thôn và các khu di tích có tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc trồng cây xanh sẽ giúp bảo vệ được công trình giao thông, tạo điểm nhấn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: “Chúng tôi đề xuất các cây trồng phải đảm bảo chất lượng, xanh quanh năm và là cây cổ thụ. Do đó, sẽ chọn 1 đến 2 loại cây để trồng, tạo điểm nhấn cho mỗi cung đường, ví dụ như cung đường hoa phượng, hoa bằng lăng... Còn đối với khu tâm linh, chúng tôi đề xuất trồng cây cổ thụ và cây có giá trị kinh tế cao, cây gỗ quý để tạo sự bền vững”.
Trên tuyến đường mới mở từ thành phố Lào Cai đến huyện Bảo Thắng dọc theo sông Hồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề xuất trồng cây gạo (cây gạo thường gắn với vùng nông thôn, miền núi). Tại các địa phương, tùy theo từng điều kiện cụ thể để chọn loại cây phù hợp, có tính đặc trưng của vùng để trồng và tạo điểm nhấn. Qua quá trình triển khai, một trong những khó khăn phát sinh không phải là thiếu cây giống mà sau khi trồng cây phải được chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo phát triển tốt... Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị các địa phương phân công cụ thể thôn, xã và người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại từng cung đường để đảm bảo chất lượng.
Việc triển khai trồng cây xanh phân tán hai bên các tuyến đường và các khu di tích tại tỉnh đến nay đã đạt trên 82% kế hoạch, với hơn 244 nghìn cây đã được trồng. Các tuyến đường trọng điểm được quan tâm trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan, gồm: Bảo Hà (Bảo Yên) - Vạn Hòa (thành phố Lào Cai); các tuyến dọc sông Hồng từ A Mú Sung đến Y Tý (Bát Xát); các tuyến đường mới trên địa bàn thị xã Sa Pa; các điểm di tích lịch sử tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và thị xã Sa Pa.

Tại huyện Bảo Yên, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu bão số 3 nhưng đến nay, địa phương đã hoàn thành trồng mới cây cảnh quan theo kế hoạch với hơn 23 nghìn cây phân tán, tương đương 118 km trên các tuyến Quốc lộ 70, đường tỉnh 160, đường huyện và đường liên thôn. Trong đó, Quốc lộ 70 trồng 6 nghìn cây (trên 30 km), đường tỉnh 160 trồng mới 1 nghìn cây (trên 5 km), gồm: lát hoa, kèn hồng, phong linh. Ngoài ra còn có hàng nghìn cây dổi, xoan, trẩu được trồng tại đường huyện, xã, thôn...

Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho rằng: Số cây đã trồng nói trên hầu hết được huy động từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách địa phương. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ nên cây xanh dọc các tuyến đường sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: Chi cục và các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị tích cực tham gia, hưởng ứng trồng cây cảnh quan. Cùng với đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây; tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là tại các tuyến đường thực hiện mở rộng, nâng cấp để sớm bàn giao mốc giới thực hiện trồng cây xanh phân tán.