Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ Công Thương hướng dẫn các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành công thương và các đơn vị trực thuộc Bộ (sau đây gọi tắt là đơn vị) triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024.
Theo Bộ Công Thương, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 được phát động với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 được tổ chức từ ngày 1 - 31/5/2024. Lễ phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động tại Trung ương kết hợp Tháng công nhân năm 2024 dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 26/4/2024 tại thành phố Hà Nội. Do đó, các đơn vị lập kế hoạch, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn các vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực làm chủ đề trong chương trình hành động về an toàn vệ sinh lao động để mang lại tính hiệu quả cao.
Các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp, lồng ghép trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 và Tháng công nhân năm 2024 đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Cùng đó, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tiếp cận trách nhiệm xã hội về an toàn vệ sinh lao động đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc rà soát xây dựng, bổ sung các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, thực hiện các quy định về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, đánh giá rủi ro về an toàn theo quy định.
Đặc biệt, các đơn vị cần đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng các huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tổ chức đối thoại, chia sẻ các sáng kiến điển hình, mô hình hay trong triển khai an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, đầu tư cải tiến dây chuyền, máy, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiếm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc. Đồng thời, tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bộ Công Thương giao các đơn vị lập Kế hoạch hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động gửi về Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) trước ngày 19/1/2024, trong kế hoạch phải thể hiện rõ nội dung của các giai đoạn, trước, trong và sau khi tổ chức các hoạt động Tháng hành động.
Sau khi kết thúc Tháng hành động, các đơn vị thực hiện tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động trước ngày 15/7/2024 về Bộ Công Thương (qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo mẫu quy định tại Phụ lục Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/2/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động.