LCĐT - Ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Lào Cai hiện có 42 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 695,6 MW. Tổng sản lượng điện của các nhà máy trên địa bàn sản xuất trong năm 2017 đạt trên 2,9 tỷ KWh, đáp ứng đủ nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2017, các nhà máy thủy điện đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.
Những ngày này, trên các công trình thủy điện, nhiều công nhân, lao động miệt mài để dòng điện tỏa đi muôn nơi...
Có người vẫn thường ví von về các nhà máy thủy điện bằng cụm từ “những công trình ánh sáng” bởi ngoài việc đem lại nguồn điện năng, các nhà máy thủy điện đã và đang góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân vùng cao tỉnh Lào Cai ngày thêm tươi sáng. Từ chủ trương đúng và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, toàn tỉnh hiện có 42 dự án thủy điện được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Một ngày Tết cận kề, khi người dân thành phố Lào Cai tấp nập sắm tết, cũng là lúc chúng tôi lên đường đến thăm một số “công trình ánh sáng” ở huyện vùng cao Bát Xát. Điểm đầu tiên chúng tôi lựa chọn đến thăm là cụm nhà máy thủy điện xây dựng trên dòng suối Tà Lơi chảy qua địa bàn 3 xã Nậm Pung, Trung Lèng Hồ và Mường Hum. Trên cung đường 80 km từ thành phố Lào Cai đến 3 xã vùng cao này, chúng tôi bắt gặp những “sứ giả mùa xuân” đã bung nở thắm sắc trên khắp sườn đồi. Đường đến các xã vùng cao giờ đã đi lại dễ dàng vì toàn là đường rải nhựa hoặc bê tông xi măng, khác hoàn toàn với hình ảnh của tuyến đường gồ ghề sống trâu của nhiều năm về trước. Sau khi vượt qua những chiếc xe tải chở hàng nhu yếu phẩm lên phục vụ nhu cầu bà con mua sắm Tết, dòng suối Tà Lơi hiện ra trước mắt thật êm đềm và thơ mộng. Khung cảnh yên bình của một ngày cuối năm cho chúng tôi cảm nhận rõ mùa xuân đang đến thật gần...
![]() |
Trực vận hành tại Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát. |
Trò chuyện với những công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đang vận hành nhà máy thủy điện, chúng tôi được biết, trên dòng suối Tà Lơi hiện có nhà máy thủy điện Tà Lơi 2, Tà Lơi 3, Nậm Pung với tổng công suất gần 30 MW đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có 2 dự án khác đang được gấp rút thi công xây dựng là Thủy điện Pờ Hồ và Thủy điện Tà Lơi 1 có tổng công suất 28,5 MW. Cả 5 nhà máy đều do Intracom làm chủ đầu tư từ năm 2007 đến nay, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện, cụm thủy điện Tà Lơi đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, trong năm 2017 hòa vào lưới điện quốc gia 138 triệu KWh, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Không chỉ mang lại nguồn năng lượng hữu ích, các dự án xây dựng thủy điện đã góp phần thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn các xã Trung Lèng Hồ, Nậm Pung và Mường Hum. Đơn cử là việc chủ đầu tư dự án tiến hành mở mới và đổ bê tông hơn 40 km đường giao thông vào 5 công trình để thuận tiện cho thi công và sản xuất, đã giúp hàng trăm hộ dân sinh sống ở nhiều thôn, bản trên địa bàn 3 xã vùng cao này có đường giao thông đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, hằng năm, Intracom luôn có các hoạt động an sinh xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Điển hình như năm 2017, doanh nghiệp này đã hỗ trợ 150 tấn xi măng và nhiều ca máy xúc, máy ủi tham gia làm đường, san gạt nền trường học, nhà văn hóa tại các xã Mường Hum, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung.
Ông Thào A Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ cho biết: “Các nhà máy thủy điện được xây dựng không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2007, thu nhập bình quân của người dân xã Trung Lèng Hồ mới đạt 5,5 triệu đồng thì 10 năm sau đã tăng lên 16 triệu đồng”.
Xã Trung Lèng Hồ hiện có 449 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhìn con em đồng bào Mông xúng xính váy áo mới, tung tăng trên những tuyến đường bê tông sạch đẹp đến trường khiến chúng tôi vui mừng, tin vào ngày mai tươi sáng.
Rời Trung Lèng Hồ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát. Gần 100 cán bộ, công nhân, vẫn thay nhau miệt mài làm việc “ba ca, bốn kíp” mỗi ngày để nguồn sáng hòa vào lưới điện quốc gia trước khi tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát có công suất 72 MW với phạm vi hoạt động tại 3 xã của huyện Bát Xát (Bản Vược, Bản Xèo và Dền Thàng). Năm 2017, nhà máy đã hòa lưới điện quốc gia hơn 443 triệu KWh, mang lại doanh thu 394 tỷ đồng cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc II. Năm 2017, Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng, tạo thu nhập ổn định cho người lao động với mức trung bình 8 triệu đồng/tháng. Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát có tổng mức đầu tư xây dựng 2.068 tỷ đồng, trong những năm qua đã có nhiều đóng góp vào việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại 3 xã vùng cao huyện Bát Xát với việc hỗ trợ xây dựng hàng chục km đường giao thông nông thôn và đường dây tải điện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Cường, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát cho biết: “Trong thời điểm tết đến xuân về, 100% cán bộ, công nhân viên tại nhà máy vẫn luân phiên làm việc bình thường. Trong thời khắc giao thừa, anh em đón tết tại nhà máy không tránh khỏi phút giây nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng chỉ cần nghĩ việc mình làm đang đem lại niềm vui cho nhiều gia đình, chúng tôi lại hồ hởi và cố gắng”.
Thăm các “công trình ánh sáng”, đến đâu chúng tôi cũng đều cảm nhận sự đổi thay tích cực của người dân ở địa bàn các thôn, bản, vùng xa; trong đó ghi nhận có phần đóng góp công sức của ngành điện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới. Sau một ngày, chúng tôi trở về nhà khi thành phố đã lên đèn, ai cũng thầm cảm ơn cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn ngày đêm miệt mài bên các tổ máy trên “những công trình ánh sáng” để đất nước, quê hương luôn bừng sáng.