Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; các thành viên Ban cán sự Đảng hai cơ quan; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Bí thư các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố...
Thực hiện Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, vi phạm pháp luật, ngày 10/7/2018, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh đã ký kết Quy chế số 01/QCPH-BCSĐUBND-BCSĐTAND về phối hợp công tác giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh.
Quy chế đã tập trung vào các nội dung: Công tác xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính và lao động; công tác trao đổi cung cấp thông tin; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Hoạt động phối hợp của Ban cán sự hai cơ quan đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm triển khai quy chế phối hợp, Ban cán sự Đảng hai cơ quan đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện tốt các nội dung theo quy định. Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Vai trò, uy tín của UBND và sở, ngành các cấp cũng như Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai được nâng lên, tạo niềm tin trong Nhân dân đối với tòa án và các cấp chính quyền của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng hai cơ quan vẫn còn một số hạn chế như trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, đôi lúc cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ chưa kịp thời; việc tham gia tố tụng trong các vụ án hành chính một số thời điểm chưa đúng thành phần; tổ chức các phiên tòa lưu động tại các địa phương chưa nhiều...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện quy chế; giải pháp khắc phục. Đồng thời chỉ ra một số điểm trong quy chế phối hợp không còn phù hợp với những quy định pháp luật mới cũng như thực hiện nhiệm vụ của hai bên, theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả Ban cán sự Đảng hai cơ quan đạt được trong thời gian qua. Để quy chế tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Ban cán sự Đảng hai cơ quan cần tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế phối hợp, trọng tâm là phối hợp giải quyết các vụ án hành chính, dân sự. Các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân hai cấp trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ, xem xét thẩm định đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; tham gia đầy đủ các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa các bên trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tích cực phối hợp tổ chức đối thoại trực tuyến, xét xử trực tuyến, giải quyết các vụ việc phát sinh nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp tập trung vào các nội dung: Xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính và lao động; công tác trao đổi, cung cấp thông tin; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư; hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí để nâng cao điều kiện hoạt động của Tòa án nhân dân; xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác; phục vụ chỉ đạo, điều hành.