TikTok “gây nghiện” như thế nào?
Phân tích về thuật toán của TikTok, ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, Tiktok lựa chọn video dành cho bạn dựa vào nhiều yếu tố.
Đầu tiên là tương tác của người dùng, chẳng hạn người dùng bấm thích hoặc chia sẻ, các tài khoản bạn theo dõi, nhận xét bạn đăng và nội dung bạn tạo; Tiếp theo là thông tin video, bao gồm cả các chi tiết như chú thích, âm thanh và các hashtags; Ngôn ngữ bạn đang sử dụng, quốc gia, loại thiết bị...
“Ẩn sau đó là thuật toán AI phân tích các dữ liệu này để đoán người dùng muốn xem gì tiếp theo, từ đó gợi ý nội dung phù hợp. Để làm được điều này, Tiktok sẽ đưa ra những bộ video thử để xem phản ứng của người dùng, thể hiện ở cách người dùng tương tác với video đó, thời gian họ xem, số lần họ xem lại… Từ những dữ liệu này, AI sẽ tổng hợp và phân loại người dùng thành các nhóm người dùng có sở thích khác nhau”- ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn các nền tảng khác như Youtube, Facebook cũng đã áp dụng. Tuy nhiên lợi thế của Tiktok chính là thời gian của mỗi clip rất ngắn, cùng 1 khoảng thời gian, người dùng xem được nhiều clip trên TikTok hơn trên Youtube, Facebook.
Điều này có nghĩa là Tiktok sẽ thu được nhiều phản ứng của người dùng hơn với cùng 1 khoảng thời gian để làm đầu vào cho máy học AI. Nói cách khác là AI của Tiktok vừa học nhanh vừa chính xác hơn vì dữ liệu đầu vào nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Tiktok có thuật toán triển khai nội dung mới theo cách, mỗi khi một nội dung mới xuất hiện, thuật toán sẽ phân bổ đến một số lượng người nhất định để đo tương tác.
Nếu tỷ lệ người xem thích video cao thì tiếp tục phân phối tới số lượng người đông hơn theo cấp số nhân. Vì vậy, nếu một nội dung càng độc, lạ, câu view thì tốc độ lan truyền càng nhanh.
Điều này cũng sẽ tạo điều kiện những video có nội dung bẩn, độc hại được lan truyền mà không có kiểm soát.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Tiktok hay các nền tảng trực tuyến khác không phải thứ duy nhất “gây nghiện”. Xét về yếu tố tâm lý, game online hay các nền tảng mạng dịch vụ trực tuyến áp dụng cùng 1 công thức: “Đem lại sự hài lòng, thỏa mãn” nhanh chóng cho người dùng. Nếu như trong cuộc sống, để có cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành một công việc, hay đoạt một thành tựu, giải thưởng nào đó thì mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng với thế giới số, việc này đạt được rất nhanh, thậm chí chỉ trong vài chục giây như Tiktok.
Với sự phát triển của công nghệ BigData và AI, các nền tảng trực tuyến rất dễ để biết người dùng muốn gì, thích gì, từ đó cung cấp những những nội dung họ thích, họ cảm thấy phù hợp, thấy thỏa mãn mà gần như người dùng không phải làm gì.
“Tiktok bị lo ngại hơn cả bởi thời gian 1 clip của tiktok rất ngắn, điều này dấy lên lo lắng nếu nghiện Tiktok thì sẽ giảm khả năng tập trung trong cuộc sống vì bộ não đã quen với việc thỏa mãn chỉ trong vài chục giây, thời gian này là quá ít so với 1 hoạt động bình thường của cuộc sống”- ông Vũ Ngọc Sơn cho hay.
“Cai nghiện” TikTok bằng cách nào?
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn cho rằng, một công cụ tốt hay xấu là do người dùng, tuy nhiên nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cái xấu dễ hơn thì sẽ phải cần kiểm soát, điều chỉnh để tồn tại.
Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cần có giải pháp để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của nền tảng này với trẻ em.
Trên thực tế, bên cạnh những thông tin tiêu cực, các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội nói chung đều có thông tin tích cực.
Tuy nhiên, do "tâm lý đám đông", thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Thậm chí, thông tin càng xấu độc thì nhiều người lại cho rằng càng gần với đời sống và chân thực, nên càng hưởng ứng.
Chỉ ra những sai phạm của TikTok tại Việt Nam thời gian qua, ông Lê Quang Tự Do- Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, hiện Bộ TT-TT đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới để gỡ nội dung phản động và vi phạm pháp luật.
Bộ đã có công cụ phát hiện những nội dung độc hại trên nền tảng xuyên biên giới, sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ về pháp lý. Cụ thể về kinh tế, các đại lý, trung gian thanh toán, doanh nghiệp không được quảng cáo, kinh doanh trên nền những tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.
Điều này bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật trong nước.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh, hiện nay trẻ em tiếp cận quá dễ dàng nội dung trên môi trường mạng, nhưng lại có nhiều thông tin xấu độc. Vì vậy, cả xã hội cùng bảo vệ trẻ em trên môi trường này.
"Để ngăn chặn các nền tảng xuyên biên giới, các kênh xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam, chúng ta sẽ đi theo phương án chặn dòng tiền trên không gian mạng để không chảy về nội dung xấu độc.
Các doanh nghiệp không đưa dòng tiền của mình vào các nội dung xấu độc. Các nền tảng xuyên biên giới và các kênh xấu độc đang để người xem có thể cho tặng vào các kênh có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, nên sẽ phải xem xét lại việc hợp tác từ các kênh thanh toán của Việt Nam đến các nền tảng này”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ để người dùng không nghiện Internet, mạng xã hội hay “tiếp tay” cho thông tin xấu độc chính là nâng cao nhận thức của người dùng. Người dùng phải tham gia mạng xã hội với tâm thế chủ động, hiểu biết, không bị “thế giới ảo” dẫn dắt và phạm sai lầm.