Chương trình trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2023, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn đối với công nhân lao động nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật...
Theo đó, Chương trình tiếp xúc cử tri tập trung vào các nội dung chính: Vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của đoàn viên, người lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần và tình trạng "tín dụng đen" trong công nhân; Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công đoàn, Luật Việc làm… Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết hình thức đối thoại là trao đổi trực tiếp giữa đại biểu Quốc hội địa phương, các đại biểu Quốc hội Trung ương là đại biểu chuyên trách thuộc đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương với đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu chương trình phải được tổ chức khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Thời gian thực hiện ít nhất 1 buổi, diễn ra từ ngày 20/4 đến 20/5. Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến khích các tỉnh, thành phố tổ chức được nhiều buổi tiếp xúc chuyên đề.