LCĐT - Giữa bản Cát Cát (Sa Pa) có một tiệm nhuộm chàm nhỏ xinh mang tên Linh Handicraft. Ngay trước cửa tiệm, những tấm vải màu xanh đen được đem phơi, tung bay trong gió, tỏa ra thứ mùi khác lạ, nhưng đó lại chính là nét thú vị, níu chân du khách khi đến thăm bản.
Tiệm nhỏ bày bán những sản phẩm độc đáo được nhuộm bằng chàm. Thứ nước nhuộm có mùi ngai ngái, tưởng như sẽ khiến du khách khó chịu, nhưng lại có sức hút lạ kỳ. Tiệm nhuộm chàm này là nơi thỏa sức sáng tạo của vợ chồng họa sĩ trẻ đến từ mảnh đất Quảng Nam. Du khách ghé thăm tiệm không chỉ được ngắm những sản phẩm độc đáo, mà còn được nghe tâm sự chân thành của vợ chồng họa sĩ về tình yêu nghệ thuật.
Tiệm nhuộm chàm Linh Handicraft ở bản Cát Cát. |
Vợ chồng Phạm Phan Hoàng Linh cùng tốt nghệp Đại học Huế, khoa Mỹ thuật. Qua một chuyến thực tế khi còn là sinh viên, họ bén duyên và yêu mến mảnh đất Sa Pa. Sau khi ra trường, cả hai đã chọn nơi này là điểm đến để sinh sống và thả hồn vào sáng tác hội họa. Ban đầu, vợ chồng Linh mở một phòng tranh tại thị trấn Sa Pa. Sau đó, Linh vô tình thấy được hình ảnh người dân nhuộm chàm, thứ mùi lạ “mê hoặc” Linh, khiến cô tò mò và muốn khám phá. Hai vợ chồng quyết định mở tiệm nhuộm chàm.
Với sự khéo léo và óc thẩm mỹ, Linh đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sáng tạo từ kỹ thuật nhuộm vải của người Nhật Bản để thiết kế những sản phẩm của riêng mình. Người dân bản địa chỉ biết nhuộm một màu, nhưng Linh đã buộc vải lại với nhau, để khi nhuộm sản phẩm cho ra những họa tiết thú vị. Sản phẩm vải chàm của Linh không đậm màu, vì theo Linh, màu chàm quá đậm sẽ dễ phai khi sử dụng.
Ngoài ra, Linh còn tự vẽ những ký tự, hình ảnh lên vải bằng sáp ong, keo nến. Tất cả sản phẩm tại tiệm đều làm thủ công và được tận dụng vải từ những chiếc áo, quần đã cũ, nhưng qua đôi tay và óc sáng tạo của vợ chồng Linh, sản phẩm đã được thổi hồn, độc đáo và bắt mắt. Bàn tay nhuốm chàm xanh đen, từ khi biết về chàm, gần như tay Linh không bao giờ trắng, nhưng đó lại là hình ảnh mà Linh thích. Với Linh, mùi và màu chàm mang lại cảm xúc khó tả, giúp cô có nhiều ý tưởng hơn khi sáng tác. Linh tâm sự: Gầy nên một thùng chàm đối với đồng bào Mông thì không có gì lạ, nhưng đối với Linh quả thật quá khó. Linh nghe các cụ, các chị bày cách phải kiêng cữ, rồi xem ngày khi làm... nhưng vẫn bị hỏng. Tốn nhiều tiền và cả công sức, có thùng chàm, Linh chờ cả tháng nó mới “sống”. Qua những lần thất bại, Linh lại rút cho mình chút kinh nghiệm. Hiện, chỉ cần 4 ngày là thùng chàm của Linh “sống” được. Làm chàm là một công thức, kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian và kiến thức khoa học, với Linh còn cả tình yêu nghệ thuật và đam mê nữa.
Vợ chồng Linh có tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật và thấy được sức mê hoặc rất lớn từ chàm. Để có thêm cảm hứng sáng tác, buổi chiều, hai vợ chồng rủ bạn bè xách máy ảnh lên đồi, tự chụp lại những bức ảnh kỷ niệm theo phong cách tự do, phóng khoáng, hòa mình với thiên nhiên.
Ngoài ra, đến với Linh Handicraft, du khách còn được tự tay vẽ những họa tiết yêu thích lên sản phẩm muốn mua hoặc tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm chàm dưới sự hướng dẫn của Linh. Nếu đến Cát Cát, hãy thử một lần ghé chân vào tiệm nhuộm chàm nhỏ xinh Linh Handicraft, chắc chắn sẽ còn nhiều điều thú vị để khám phá.