Đến hết 2024, dự kiến có hơn 20 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15”.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày, với sự tham gia của đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và bảo hiểm xã hội 31 tỉnh, thành phố phía bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua từ ngày 1/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.
Nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện được thuận lợi và hiệu quả.
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để Vụ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành.
Đến hết năm 2024, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ đạt hơn 42% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt ngưỡng 20 triệu người tham gia.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin thêm những kết quả nổi bật trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội những gần đây.
Theo ông Phạm Trường Giang, kể từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước đã gia tăng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi, thì đến hết năm 2024, con số này dự kiến sẽ đạt hơn 42%, vượt ngưỡng 20 triệu người tham gia.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Trường Giang cũng lưu ý, các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới rất lớn, đã và đang đặt ra nhiều thách thức với công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
“Đến năm 2025, chúng ta phải đạt 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đến năm 2030 phải đạt 60% - tương ứng với việc phải tăng thêm khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội mới trong giai đoạn 5 năm tới; đồng thời giữ được con số 20 triệu người đang tham gia. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới nặng nề hơn rất nhiều. Những nhóm đối tượng dễ vận động đã thực hiện trước; còn lại sẽ là nhóm khó khăn nhất, phức tạp nhất”, ông Giang phân tích.
Trước đó, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua 10 tháng đầu năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước đạt 19,365 triệu người.
Hướng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và người lao động
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc góp ý, xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Đây chính là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, mở ra cơ hội mới, tiền đề mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, trong khoảng hai tháng qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai hội nghị đối thoại tại 21 tỉnh, thành phố, trực tiếp đến khoảng 6.300 lượt người.
Các hội nghị này vừa nhằm mục tiêu tuyên truyền các điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, vừa bước đầu ghi nhận những ý kiến để xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội đã nêu rõ quá trình xây dựng và trình bày tóm tắt 3 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các văn bản cụ thể gồm: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung mới sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng. Trong đó, một số vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận. Cụ thể như: Phương án quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ban soạn thảo cũng đặt vấn đề xin ý kiến về các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, nhất là với những đối tượng mới thuộc diện tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Hội nghị đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự nhằm mục tiêu hướng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, người lao động liên quan đến nhiều nhóm vấn đề.
Những nội dung đóng góp tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể. Đó là: Quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội một lần với người lao động; Mức trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; Quy định giải quyết chế độ tử tuất đối với người lao động là công dân nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam; Chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng; Mức đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu đối với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… Qua đó góp phần hướng tới việc triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 ngày càng hoàn thiện chặt chẽ và hiệu quả cao.