Đối với xã Quan Hồ Thẩn, nhiều năm trở lại đây, địa phương mặc dù không để xảy ra vụ việc lớn liên quan đến bạo lực gia đình, gây bức xúc trong xã hội, nhưng nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình vẫn tiềm ẩn. Chị Giàng Thị Sú, Chủ tịch Phụ nữ xã Quan Hồ Thẩn chia sẻ: “Bạo lực gia đình luôn hiện hữu trong đời sống, có thể xuất phát từ những xích mích nhỏ, lời qua tiếng lại giữa đôi bên và đến lúc nào đó bộc phát không kiểm soát được bản thân dẫn đến hành vi bạo hành thể xác và tinh thần”.
Qua nắm bắt tình hình do chi hội phụ nữ cơ sở báo cáo, một số chị em khi sinh hoạt chi hội đã chia sẻ câu chuyện lục đục trong gia đình, những mâu thuẫn mà hai vợ chồng chưa tìm được tiếng nói chung, thậm chí có sự can thiệp của cả người ngoài. Đơn cử như tại thôn Sừ Pà Phìn có một cặp vợ chồng bất đồng quan điểm trong cuộc sống, chú họ của chồng chưa biết chuyện đúng sai thế nào, không khuyên can mà đã ra sức bênh vực cháu mình, đẩy câu chuyện đi quá xa, làm rạn nứt tình cảm họ hàng.
Chính vì vậy, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Quan Hồ Thẩn chỉ đạo các chi hội cơ sở khi triển khai sinh hoạt hằng tháng sẽ lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời mời thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã cùng dự nhằm cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn cho hội viên phụ nữ.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã Quan Hồ Thẩn được thành lập từ năm 2022 với 15 thành viên, trong đó có đến 10 thành viên là nam giới. Anh Tráng Seo Tú ở thôn Lao Chải, thành viên của mô hình thời gian qua đã tích cực tham gia cùng chi hội phụ nữ thôn giải quyết, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình của một số hội viên: “Bản thân tôi khi đi tuyên truyền, giải thích cũng có nhiều mặt lợi, có thể trò chuyện với người chồng để từ từ tháo gỡ những bất đồng và khuyên người chồng không được dùng vũ lực để giải quyết sự việc”, anh Tú chia sẻ.
Những ngày này, anh Tú cùng nhiều thành viên nam khác tích cực tham gia luyện tập tiểu phẩm để tham dự hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình do Hội Phụ nữ huyện Si Ma Cai tổ chức thời gian tới. Tiểu phẩm được dàn dựng từ tình tình huống giả định nhưng cũng là câu chuyện có thật đã từng xảy ra về bạo lực gia đình. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giàng Thị Sú cho biết: Dù được giải thưởng hay không, tiểu phẩm sau khi hoàn thành sẽ trở thành một giải pháp để phục vụ công tác truyền thông tại thôn bản, thông qua hình thức sân khấu hóa sinh động sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về những hành vi bạo lực gia đình”.
Thời gian qua, để xây dựng một cộng đồng không có bạo lực gia đình, Hội Phụ nữ xã Quan Hồ Thẩn đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, đánh giá tình thôn, bản. Đến nay, 2/8 thôn trên địa xã đã xây dựng mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”. Tất cả các hộ khi tham gia mô hình đều ký cam kết thực hiện, trường hợp xảy ra tình hình mất đảm bảo an ninh trật tự, có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định và theo quy ước, hương ước của thôn.
Bên cạnh việc giải quyết hành vi bạo lực về thể xác, Hội Phụ nữ xã thời gian qua cũng tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, công an xã ngăn chặn bạo lực tinh thần thông qua chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới. Các tổ truyền thông cộng đồng thôn tích cực phát tờ rơi tuyên truyền; mỗi năm mở từ 5 - 6 lớp tập huấn kiến thức cho người dân nhận diện hành vi bạo lực gia đình và các thiết chế xử lý theo quy định.
Chị Giàng Thị Sú, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Bên cạnh việc truyền thông cộng đồng, Hội Phụ nữ xã trong thời gian tới sẽ phối hợp với các đơn vị và nhà trường đẩy mạnh truyền thông trong các nhà trường, nhất là khối THCS liên quan đến bạo lực gia đình, các hành vi xâm hại trẻ em.