Thể thao Việt Nam giai đoạn 2026-2046: Khát khao vươn mình ra biển lớn

Sau nhiều thập niên hội nhập trở lại đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam đã tạo dựng được vị thế, có thời điểm chạm tầm châu lục và thế giới.

the-thao-vn-1-7560.jpg
Bùi Thị Nguyên giành Huy chương Vàng 100m rào nữ Giải điền kinh Hồng Kông (Trung Quốc) mở rộng 2025.

Kể từ kỳ tích Huy chương Vàng Olympic đầu tiên của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016, thể thao Việt Nam luôn nung nấu khát vọng trở thành quốc gia mạnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á, vươn ra tầm châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, cũng phải đến khi kế hoạch phát triển thể thao trọng điểm giai đoạn 2026-2046 được cụ thể hóa với mục tiêu hướng đến những sân chơi lớn như ASIAD, Olympic mới mang đến hy vọng thể thao Việt Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ, thực chất.

Giai đoạn tái cấu trúc

Sau nhiều thập niên hội nhập trở lại đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam đã tạo dựng được vị thế tại khu vực, có thời điểm chạm tầm châu lục và thế giới. Năm 2016 tại Brazil, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 2 Huy chương Olympic, 1 Vàng và 1 Bạc. Sau đó, ASIAD 2018 là kỳ đại hội thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam với 5 Huy chương Vàng, xếp thứ 17 toàn đoàn.

Mặc dù vậy, thể thao Việt Nam đang ở ngã ba đường, một bên là sự tự hào với những thành tựu trong quá khứ và với một bên là những khoảng cách ngày một xa với đỉnh cao thế giới. Vị trí số 1 toàn đoàn 2 kỳ SEA Games gần đây càng làm lộ ra giới hạn cố hữu.

Nhiều huy chương vàng đến từ những môn không thuộc hệ thống Olympic, hay khoảnh khắc bùng nổ chỉ mang tính cá nhân chứ chưa phản ánh một nền thể thao ổn định. Tính bền vững - thứ làm nên một nền thể thao mạnh - vẫn còn là điều xa xỉ với thể thao Việt Nam.

Sau kỳ tích ở Rio 2016, thể thao Việt Nam trắng tay 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp gần đây, Tokyo 2020 và Paris 2024. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Bên cạnh những hạn chế chuyên môn, sâu xa hơn là cách chúng ta tiếp cận ASIAD và Olympic như một giấc mơ xa xôi, hơn là một mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng.

Vậy nên, Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 ra đời được kỳ vọng sẽ xác lập lại cấu trúc phát triển thể thao Việt Nam. Trong đó, giai đoạn 2026-2036 là thời kỳ đặt nền móng và 2036-2046 sẽ là lúc kiểm nghiệm hiệu quả chiến lược.

“Olympic là sân chơi đòi hỏi nền tảng khoa học thể thao, thể lực, tâm lý và chế độ dinh dưỡng phải đạt chuẩn cao nhất thế giới. Muốn có huy chương Olympic, phải chuẩn bị từ 10 năm trở lên”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm và nhận định nếu coi thành tích tại ASIAD và Olympic là một công trình lớn, thì đào tạo tài năng trẻ chính là nền móng.

Mọi kế hoạch vươn ra châu lục, thế giới đều sẽ trở nên viển vông nếu Việt Nam không có được một thế hệ vận động viên kế cận đủ tầm, bản lĩnh, có điều kiện phát triển trong môi trường thể thao hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.

Hiện nay, phần lớn hệ thống đào tạo vận động viên trẻ phụ thuộc vào các trung tâm thể dục thể thao tỉnh, thành - mô hình vốn dĩ lỗi thời so với xu hướng thế giới. Nhiều địa phương, ngay cả nhóm đầu, công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu còn dựa vào cảm tính của huấn luyện viên, thiếu dữ liệu đo lường chính xác về tố chất sinh học, chỉ số phát triển thể chất và tâm lý.

Việc đào tạo thường bị bó hẹp trong điều kiện cơ sở vật chất cũ kỹ, chế độ dinh dưỡng thiếu chuẩn, và môi trường cạnh tranh nghèo nàn. Điều này khiến nhiều nhân tố giàu triển vọng bị lãng phí hoặc không thể đạt ngưỡng đỉnh cao như kỳ vọng.

Để thay đổi căn bản, thể thao Việt Nam cần dứt khoát chuyển đổi sang mô hình học viện thể thao chuyên biệt - nơi đào tạo vận động viên trẻ theo từng môn thể thao trọng điểm. Đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết nếu chúng ta nghiêm túc với mục tiêu ASIAD, Olympic.

Mỗi môn thể thao cần có một trung tâm chuyên sâu - nơi kết hợp ba yếu tố: tuyển chọn đầu vào dựa trên chỉ số khoa học thể thao (thay vì cảm tính), giáo trình huấn luyện được cập nhật từ các nền thể thao hàng đầu, và liên kết đào tạo với các học viện quốc tế.

Mô hình này đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia có tầm vóc tương tự Việt Nam. Thái Lan hiện có học viện boxing nữ liên kết với Kazakhstan, học viện cầu lông đào tạo từ 10 tuổi với giáo trình Nhật Bản… Nhờ đó, như cầu lông, Kunlavut Vitidsarn đã làm nên lịch sử cho thể thao Thái Lan với Huy chương Bạc đơn nam Olympic Paris 2024, vô địch châu Á 2025.

Indonesia cũng xây dựng hệ thống học viện đặc biệt dành cho nhiều môn thế mạnh nên sở hữu nhiều vận động viên đẳng cấp thế giới: Rizki Juniansyah, đương kim vô địch Olympic môn cử tạ, hạng 73 kg; cầu lông với Jonatan Christie vô địch All England Open 2024 (Super 1000), Huy chương Vàng châu Á 2024, hiện xếp thứ 2 thế giới…

Một yếu tố mang tính chất “điều kiện cần” khác chính là chính sách đưa vận động viên trẻ ra nước ngoài tập huấn dài hạn. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia hàng đầu đều cho rằng: nếu không được tiếp xúc với môi trường thi đấu đỉnh cao từ tuổi thiếu niên, một vận động viên khó lòng bứt phá khi trưởng thành.

Môi trường thể thao ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các trung tâm huấn luyện châu Âu không chỉ đem lại kiến thức, kỹ thuật hiện đại, mà còn rèn luyện cho các vận động viên trẻ bản lĩnh, thói quen sinh hoạt chuyên nghiệp và tinh thần thi đấu toàn cầu - điều mà Việt Nam chưa thể có trong hệ sinh thái nội địa.

Song song đó, hệ thống huấn luyện viên cũng cần được đổi mới mạnh mẽ. Không thể mong có vận động viên đẳng cấp thế giới nếu người huấn luyện còn lúng túng với những phương pháp cũ kỹ.

Do vậy, cùng với việc đưa vận động viên ra nước ngoài, cần có cơ chế cho phép huấn luyện viên trẻ, trợ lý chuyên môn và các nhà phân tích thể thao được tham gia khóa huấn luyện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hoặc châu Âu - nơi đang đi đầu về khoa học thể thao ứng dụng. Những nhân sự này khi trở về sẽ đóng vai trò truyền dẫn tri thức, là hạt nhân giúp nâng cấp toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ trong nước.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của chính sách. Để các mô hình học viện thể thao và chương trình tập huấn quốc tế trở thành hiện thực, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước với chính sách đầu tư ổn định, dài hạn và cơ chế quản lý linh hoạt.

Đồng thời, việc mở rộng hợp tác quốc tế, thông qua các thỏa thuận song phương với những nước có nền thể thao phát triển, cần được xem là trọng tâm ngoại giao thể thao giai đoạn tới. Nhìn từ góc độ phát triển lâu dài, 5 năm đầu tiên của giai đoạn 2026-2046 chính là “khoảnh khắc vàng” để Việt Nam tái định hình chiến lược đào tạo thể thao trẻ.

the-thao-vn-2-3939.jpg
Vận động viên tranh tài tại Giải bơi, lặn vô địch các nhóm tuổi quốc gia năm 2025.

Vươn tầm và khẳng định vị thế

Giai đoạn 2036-2046 là thời điểm chuyển từ kỳ vọng sang thực tiễn, từ những mô hình thử nghiệm sang chuẩn mực quốc gia. Khi thế hệ vận động viên đầu tiên của chương trình trọng điểm trưởng thành, Việt Nam phải đặt ra các mục tiêu cao hơn: không chỉ là huy chương Olympic mà còn là hệ sinh thái thể thao quốc gia chuyên nghiệp, cạnh tranh và bền vững.

Việc xây dựng các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia theo mô hình hiện đại, tích hợp khoa học thể thao, cơ sở vật chất đạt chuẩn Olympic, phòng lab, phục hồi chức năng, phân tích dữ liệu thể thao cần được triển khai đồng loạt tại các vùng chiến lược.

Không thể mơ đến huy chương Olympic nếu không có nền tảng y học thể thao, công nghệ dữ liệu và mô phỏng hiện đại làm hậu thuẫn. Đây là lúc Nhà nước cần xã hội hóa mạnh mẽ, kêu gọi đầu tư tư nhân, xây dựng các khu liên hợp thể thao tầm cỡ để phục vụ huấn luyện, thi đấu quốc tế và tổ chức các sự kiện tầm khu vực.

Thể thao học đường và thể thao cộng đồng phải được kết nối với hệ thống thể thao thành tích cao, tạo thành sợi dây liên kết xuyên suốt, liên tục từ phong trào tới đỉnh cao. Ở chiều ngược lại, thành tích ở Olympic và ASIAD sẽ tạo hiệu ứng truyền cảm hứng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của thể thao trong giáo dục và phát triển con người.

Giai đoạn 2040-2046 có thể sẽ là thời điểm chín muồi để Việt Nam có thể mạnh dạn xin đăng cai tổ chức một kỳ ASIAD hoặc Olympic trẻ, qua đó nâng tầm vị thế quốc tế, đồng thời kích hoạt làn sóng đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực thể thao chất lượng cao, đồng thời nâng cấp hệ sinh thái thể thao quốc gia lên tầm hiện đại, đồng bộ và tự chủ.

Đây là giai đoạn đòi hỏi tầm nhìn quản trị thể thao thực sự chuyên nghiệp - từ cơ chế vận hành liên đoàn, tài chính thể thao, đến quyền lợi vận động viên và mô hình thể thao học đường. Hệ sinh thái tài chính thể thao cần được làm mới. Ngân sách Nhà nước chỉ nên là lực đẩy ban đầu, phần còn lại phải huy động từ xã hội hóa.

Để làm được điều đó, thể thao Việt Nam phải tạo ra những giá trị thị trường: hình ảnh vận động viên chuyên nghiệp, giải đấu hấp dẫn, thương hiệu liên đoàn mạnh và có trách nhiệm xã hội. Một nền thể thao hiện đại không thể phụ thuộc vào bao cấp, mà phải vận hành như một ngành kinh tế đặc thù với cấu trúc thị trường rõ ràng.

Cuối cùng, việc nuôi dưỡng “niềm tin thể thao quốc gia” cần được chú trọng hơn nữa. Chúng ta không thể xây dựng một nền thể thao lớn nếu trong lòng xã hội vẫn còn tâm lý xem thể thao như trò chơi, thành tích thể thao như điều may rủi. Tinh thần Olympic, khát vọng quốc gia và cảm hứng từ thể thao phải được khơi dậy thông qua truyền thông, giáo dục, sự kiện cộng đồng.

Một quốc gia có thể mạnh về khoa học, kinh tế - nhưng thiếu sức mạnh tinh thần từ thể thao sẽ thiếu đi sức sống, thiếu đi biểu tượng cho sự hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Thể thao không chỉ là huy chương. Đó là bản lĩnh dân tộc, là khát vọng hội nhập, là niềm tự hào khi quốc kỳ được kéo lên giữa đấu trường thế giới.

the-thao-vn-3-9402.jpg
Lực sĩ K’Dương sinh năm 2007 - gương mặt giàu triển vọng của cử tạ Việt Nam.

Hành trình đưa thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn giai đoạn 2026-2046 không thể là một cuộc chạy đua ngắn hạn, càng không thể là chuỗi thành tích vụn vặt để “làm đẹp” bảng tổng sắp ở các kỳ đại hội khu vực - SEA Games.

Đó phải là một chiến lược dài hơi, nhất quán và kiên định, đặt con người làm trung tâm, chất lượng làm mục tiêu và chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Không thể có đỉnh cao nếu không có nền tảng, không thể có huy chương Olympic và ASIAD nếu không có đào tạo bài bản, và càng không thể có vinh quang quốc gia nếu thiếu đi sự đầu tư đồng bộ, khoa học và quyết liệt.

Từ việc xây dựng hệ sinh thái đào tạo trẻ trong giai đoạn 2026-2030, đến quá trình cọ xát quốc tế và chuyên nghiệp hóa toàn diện giai đoạn 2030-2040, để rồi bước vào giai đoạn “cán đích” 2040 - 2046 với những mô hình trung tâm huấn luyện chuẩn quốc tế, thể thao Việt Nam cần theo đuổi một triết lý phát triển xuyên suốt: kiên định với chiều sâu, không ngại thay đổi, và dám đặt ra những mục tiêu vượt qua chính mình.

Đó là hành trình của hoạch định chiến lược hơn là đợi chờ kỳ tích. Thể thao Việt Nam phải hành động - bắt đầu từ tư duy chiến lược và một niềm tin không lay chuyển vào sức bật của dân tộc trên đường đua thể thao thế giới.

Thể thao Việt Nam cần một cuộc “cách mạng chuyên gia” thực sự. Mời chuyên gia ngoại đến làm việc lâu dài - không chỉ đơn thuần là ký hợp đồng ngắn hạn kiểu “chống cháy” - mà là chuyển giao toàn diện công nghệ huấn luyện, từ phân tích kỹ - chiến thuật đến hồi phục chấn thương, tâm lý thi đấu. Chính sách đãi ngộ, lộ trình phát triển và quyền tự chủ chuyên môn phải đủ hấp dẫn để thu hút những chuyên gia đẳng cấp.

giaoducthoidai.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nghẹt thở 2 trận bán kết U-23 Đông Nam Á

Nghẹt thở 2 trận bán kết U-23 Đông Nam Á

Đương kim vô địch Việt Nam giữ vững khí thế trước một Philippines khao khát viết tiếp câu chuyện cổ tích ở giải U-23 Đông Nam Á trong khi Indonesia và Thái Lan bước vào 'trận chung kết sớm' cùng ngày 25-7.

U23 Việt Nam bỏ xa Thái Lan về giá trị chuyển nhượng

U23 Việt Nam bỏ xa Thái Lan về giá trị chuyển nhượng

Theo số liệu từ chuyên trang định giá cầu thủ Transfermarkt, tổng giá trị chuyển nhượng của toàn bộ giải U23 Đông Nam Á 2025 đang đạt mức 13,49 triệu euro. Trong số đó, U23 Việt Nam xếp thứ hai với tổng định giá 2,3 triệu euro, chỉ đứng sau chủ nhà Indonesia và bỏ xa đối thủ từng được xem là thế lực như Thái Lan.

fb yt zl tw