Tết Chôl Chnăm Thmây - lễ hội lớn, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm, thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm nay Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023 dương lịch.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà chúc Tết Chôl Chnăm Thmây đến Hòa thượng Thạch Hà, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi Thư chúc mừng đến đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm mới”. Theo quan niệm của đồng bào, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi. Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm.

Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bàlamôn giáo.

Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.

Nếu như tiết thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc, sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai.

Trong khi người Việt và Hoa ăn Tết năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn Tết năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa. Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer.

Nét văn hóa đặc sắc, mùa sum họp của đồng bào Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là của các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á, trong đó đồng bào Khmer Nam bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa. Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.

Tiết mục văn nghệ phục vụ đại biểu tại buổi họp mặt.

Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.

Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).

Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây.

Trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dukê, robăm, ramvông...

Ngày Tết thứ hai - Wanabot (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn-Panum-Khsách) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.

Ngày Tết thứ ba - Lơn-sắtk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa.

Đến trưa mọi người về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, rồi chúc mừng ông bà, cha mẹ và dâng bánh để tạ ơn. Cũng có khi họ tổ chức lễ tắm ông bà, cha mẹ, tượng trưng cho sự báo hiếu.

Cũng giống như phong tục của người Kinh, ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là thời gian những người con Khmer từ nơi làm việc, học tập lại trở về với gia đình, quê hương, để mỗi gia đình lại sum họp, đầm ấm đón mừng năm mới bên nhau, thăm họ hàng, gia tộc, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt...

Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian, như thả diều, đánh quay lửa hay nghe các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu; thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm...

Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét, Tết năm mới của đồng bào Khmer còn thấy dấu ấn của đạo Bàlamôn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày Tết này. Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.

Đời sống của đồng bào Khmer không ngừng được nâng cao

Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung tại 9 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Một bộ phận đồng bào Khmer sống ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với tổng dân số khoảng 1,3 triệu người. Đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, có nền văn hóa phong phú và đa dạng.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bộ, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Có thể kể đến Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Nghị quyết số 21/NQ- TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010” và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào DTTS ở Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là đồng bào Khmer giai đoạn 2014-2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới...

Nhờ đó, kinh tế-xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã được nâng lên một bước đáng kể. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, khá bền vững, số hộ nghèo giảm từ 3-5%/năm; trên 99% hộ có phương tiện nghe nhìn, 97% hộ được sử dụng điện lưới, 80% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Giáo dục, đào tạo vùng dân tộc không ngừng được đổi mới, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có trường dân tộc nội trú. Cùng với đó, việc dạy và học tiếng Khmer cũng được thực hiện tốt. Chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện, tạo việc làm... Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều vị tiêu biểu trong đồng bào Khmer đại diện tham gia Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đã góp phần quan trọng tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những kết quả trên đã lần nữa minh chứng, tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân cả nước nói chung, đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng bào dân tộc Khmer, với các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam luôn bền vững.

Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh

Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh

Ngành nhiếp ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, song cũng đối mặt nhiều thách thức như định giá sản phẩm, bảo vệ bản quyền và cơ hội nghề nghiệp. Mới đây, mô hình Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng đầu tiên đã hình thành tại thành phố Đà Nẵng. Nếu ý tưởng này thành công, hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp, bền vững.

Thêm niềm vui sống từ yêu mến thơ ca

Thêm niềm vui sống từ yêu mến thơ ca

Đầu xuân, khi vùng núi cao Bắc Hà chìm trong sắc trắng mận Tam hoa, tôi tình cờ gặp bà Đặng Thị Nguyệt Ánh, 75 tuổi, ở tổ dân phố Bắc Hà 2, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà tại Hội báo Xuân. Đối với người yêu thơ, thích đọc sách như bà Ánh thì đây chính là cơ hội để được thỏa mãn đam mê đọc và bổ sung kiến thức bổ ích từ những cuốn sách, tờ báo, tạp chí từ khắp mọi miền.

Chân dung nhà báo Ma Văn Kháng

Gặp gỡ nhà văn Ma Văn Kháng (Phần 2) Chân dung nhà báo Ma Văn Kháng

Nhà văn Ma Văn Kháng hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Thủ đô Hà Nội. Năm nay, nhà văn bước vào tuổi 89, nhưng tinh thần và sức sáng tạo của ông thì vẫn rất mạnh mẽ. Ông vẫn là cộng tác viên thường xuyên và đều đặn của tạp chí Xây dựng Đảng, Báo Văn nghệ. Đặc biệt, ông vẫn thường xuyên gửi bài viết, truyện ngắn cộng tác với "Báo nhà" - tên gọi thân thương mà nhà văn dành cho Báo Lào Cai.

[Ảnh] Tinh hoa nghề gốm Bát Tràng

Hành trình dọc sông Hồng: [Ảnh] Tinh hoa nghề gốm Bát Tràng

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời nhà Lý, vào khoảng thời gian vua Lý Thái Tổ dời đô từ Thăng Long ra Hoa Lư. Các sản phẩm gốm Bát Tràng đã phát triển, lưu thông rộng rãi trong nước từ thế kỷ XV, đến thế kỉ XVI, XVII phát triển mạnh mẽ và xuất khẩu ra nước ngoài. Trải qua thăng trầm của lịch sử, làng gốm Bát Tràng vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống, tự hào là làng nghề gốm sứ lâu đời và nổi tiếng nhất của cả nước.

Gặp gỡ nhà văn Ma Văn Kháng (Phần 1)

Gặp gỡ nhà văn Ma Văn Kháng (Phần 1)

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông đã có hơn hai thập kỷ gắn bó với mảnh đất biên cương Lào Cai. Đặc biệt, những năm tháng công tác tại Báo Lào Cai đã giúp ông đi sâu vào cuộc sống vùng cao, tích lũy vốn hiểu biết phong phú và truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Xa Phủ... Để hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của ông, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc gặp gỡ của phóng viên Báo Lào Cai với nhà văn Ma Văn Kháng.

Thách thức trong bảo tồn hai chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh

Thách thức trong bảo tồn hai chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh

Liên quan đến việc khai quật 2 chiếc thuyền cổ ở khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ngày 26/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật thuyền cổ.

Bắc Ninh bùng nổ tour du lịch miễn phí theo dấu MV 'Bắc Bling'

Bắc Ninh bùng nổ tour du lịch miễn phí theo dấu MV 'Bắc Bling'

Khi MV "Bắc Bling (Bắc Ninh)" của ca sĩ Hòa Minzy được công bố và lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng triển khai chương trình tour du lịch miễn phí mang tên "Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh – Sắc màu di sản". Đây được xem là bước đi nhạy bén, tận dụng sức ảnh hưởng của văn hóa đại chúng để quảng bá hình ảnh vùng đất quan họ.

Khơi dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Khơi dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Chứa đựng tinh hoa văn hóa, phản ánh sự tiếp nối trí tuệ, cảm xúc và bản sắc dân tộc qua nhiều thế hệ, nghệ thuật truyền thống giúp gắn kết với cội nguồn, nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tư duy sáng tạo. Bảo tồn, kế thừa, phát huy mạnh mẽ hơn nữa những giá trị của nghệ thuật truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và khẳng định dấu ấn văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Nỗ lực quảng bá bánh mì Việt Nam ra thế giới

Nỗ lực quảng bá bánh mì Việt Nam ra thế giới

Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới, lan tỏa năm châu” để quảng bá, giới thiệu bánh mì Việt Nam đến với đông đảo du khách. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 3 năm 2025.

Đặc sắc Bảo tàng Nghệ thuật kính màu đầu tiên ở Việt Nam

Đặc sắc Bảo tàng Nghệ thuật kính màu đầu tiên ở Việt Nam

Việc ra đời Bảo tàng Nghệ thuật kính màu đầu tiên tại Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua đánh dấu một hoạt động văn hóa chuyên biệt, độc đáo trong đời sống văn hóa nước nhà. Chính thức khai trương tại Trại Da Vinci, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội, Bảo tàng mở ra một không gian sáng tạo trưng bày những tác phẩm kính màu từ khắp nơi trên thế giới.

Hoa văn phượng hoàng trên trang phục của người Nùng Dín

Hoa văn phượng hoàng trên trang phục của người Nùng Dín

Một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của người Nùng Dín ở huyện vùng cao Mường Khương chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên váy áo, khăn đội đầu, giày vải, địu và mũ của trẻ em…

fb yt zl tw