LCĐT - Không ai nhớ môn bóng chuyền đã “du nhập” về thôn San Bang, xã Bản Vược (Bát Xát) từ khi nào, nhưng giờ đã trở thành môn thể thao quan trọng, như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Dao nơi đây.
Chiều thu, trời tắt nắng sớm, vì thế nam, nữ vận động viên của thôn San Bang phải tranh thủ thời gian ra sân sớm hơn để luyện tập, thi đấu môn bóng chuyền. 16 giờ, từng tốp vận động viên không chuyên của thôn San Bang í ới gọi nhau đến khu vực nhà văn hóa thôn - nơi có sân luyện tập, thi đấu thể thao. Không ai bảo ai, mỗi người một công việc: Người quét sân, căng lưới, người kẻ lại vạch sơn… Trong chốc lát, một sân luyện tập bóng chuyền “làng quê” đạt chuẩn hoàn tất, đủ để những người đam mê môn bóng chuyền trong thôn San Bang thỏa sức tập luyện.
![]() |
Người dân San Bang coi bóng chuyền là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. |
Quanh năm quen với ruộng đồng, nương đồi, nên trước đây chị Phàn Thị Liên không quan tâm đến thể thao. Nhiều hôm đi làm về trời đã tối mịt, lại còn đủ việc nhà phải làm như: Nấu cơm, dọn nhà, chăm con… Những ngày như thế, khi nhìn thấy chồng xỏ giày, chuẩn bị đi chơi bóng chuyền là chị tỏ thái độ “mặt nặng, mày nhẹ”. Chị Liên bảo: “Mặc dù tôi tỏ thái độ như thế, nhưng chồng tôi cứ kệ như không có chuyện gì xảy ra. Chiều đi làm về là nhanh nhanh, chóng chóng ra sân cùng bạn bè chơi bóng chuyền, để mặc công việc gia đình cho tôi”. Thấy chồng dành quá nhiều sự yêu thích cho môn bóng chuyền, chị Liên cũng tò mò ra sân xem có ai “bỏ bùa mê anh ấy”. Trong những lần ra sân xem chồng chơi như thế, chị đã bén duyên với môn thể thao này lúc nào không hay. “Mới đầu chơi không hiểu luật, không có kỹ thuật, nên cũng nản lắm, nhưng tôi được chồng kiên trì hướng dẫn, sau một thời gian đã có thể tham gia luyện tập, thi đấu cùng mọi người. Khi trong thôn chưa thành lập đội bóng chuyền nữ, chúng tôi luyện tập chung, luân phiên nhau vào sân” - chị Liên cho biết thêm. Bây giờ cả hai vợ chồng chị cùng nhau bố trí công việc nhà hợp lý để có thể tham gia tập luyện bóng chuyền mỗi ngày.
Ngày càng có nhiều nam, nữ thanh niên trong thôn San Bang tham gia tập bóng chuyền, vì chỉ có một sân ở nhà văn hóa, nên có người đợi cả chiều vẫn không đến lượt được vào sân. Điều này khiến người dân thôn San Bang quyết tâm đóng góp tiền, công sức để san gạt bãi đất giữa thôn, mở thêm một sân bóng chuyền dành riêng cho nam giới. Anh Phàn A Vinh là một trong những “tín đồ” môn bóng chuyền ở thôn San Bang. Từ ngày “nghiện” môn thể thao này, hầu như ngày nào anh cũng dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ để luyện tập, thi đấu cùng với bạn bè trong thôn.
Anh Vinh chia sẻ: “Bóng chuyền cũng như bóng đá, nếu có sức khỏe ai cũng có thể tham gia, không kể già, trẻ, nam hay nữ. Hơn nữa, bóng chuyền rất tiết kiệm, chỉ cần chi phí ban đầu vài trăm nghìn mua lưới, bóng… là luyện tập được cả năm. Với tôi, bóng chuyền giờ đây như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày. Một ngày không được ra sân thì tôi cảm giác rất mệt mỏi, khó chịu”.
Vì gặt cố mảnh ruộng, nên chị Lý Thị Minh ra sân hơi muộn so với thường ngày. Phải đứng ở ngoài sân chờ đến lượt được vào sân luyện tập, thi đấu cùng chị em trong thôn, đôi chân chị Minh như có “kiến đốt”, hết bật nhảy, rồi lại đá vào không gian. Khi vừa thấy người bạn vẫy tay gọi ra thi đấu, chị Minh lao vào sân như vận động viên chuyên nghiệp và nhanh chóng nhập cuộc. Gần 30 phút được thỏa sức cùng trái bóng chuyền, chị Minh lại phải nhường chỗ cho những người đang đứng chờ ngoài sân. “Hôm nay tôi ra sân muộn, nhưng vẫn có cơ hội được vào sân luyện tập cùng chị em. Luyện tập thể thao nói chung và chơi bóng chuyền nói riêng tôi rất thích, bởi khi vào sân, những mệt nhọc, muộn phiền của cuộc sống thường ngày như được vứt bỏ. Hơn nữa, luyện tập bóng chuyền mang lại cho tôi sức khỏe dẻo dai, vui vẻ và tích cực hơn trong lao động, sản xuất” - chị Minh tâm sự.
Theo quan sát của chúng tôi, không khí luyện tập thể thao của người dân thôn San Bang diễn ra rất vui vẻ, đoàn kết. Họ thi đấu vô tư, ai cũng thoả sức hét hò cùng trái bóng. Bí thư Chi bộ thôn San Bang Tẩn A Sầu cho biết: “Người dân ở đây ai có sức khỏe đều tham gia luyện tập môn bóng chuyền, tạo nên một phong trào thể thao sôi động, góp phần nâng cao sức khỏe. Nhưng quan trọng hơn, việc người dân tham gia chơi bóng chuyền hằng ngày đã mang lại tình đoàn kết, vui vẻ, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu, xây dựng một cộng đồng dân cư no ấm, hạnh phúc”.
Trời nhá nhem tối cũng là lúc những vận động viên không chuyên của thôn San Bang tạm xa trái bóng, trở về với gia đình của mình. Từ tiếng nói cười, trò chuyện vui vẻ của người dân nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, thể thao nói chung và môn bóng chuyền nói riêng đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thôn người Dao này.